Ngân hàng (NH) TMCP Quốc Tế (VIB) cho biết sẽ giảm lãi suất với hơn 8.500 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (DN) mức trung bình 1,5 điểm % ngay từ tháng 7 này, tập trung vào nhóm khách hàng chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.
Theo đó, dựa trên đánh giá tác động của dịch Covid-19, VIB sẽ giảm lãi suất cho khách hàng là DN thuộc ngành nghề ưu tiên của Chính phủ, DN vừa và nhỏ, khách hàng cá nhân và DN trong các lĩnh vực khác bị ảnh hưởng...
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng
Tại NH TMCP Phát triển Việt Nam (HDBank), gần 18.000 khách hàng vay được giảm lãi suất với mức giảm bình quân từ 1 điểm %/năm. NH này cũng đang triển khai gói tín dụng ưu đãi lãi suất đến 4,5 điểm % so với lãi suất hiện hành cho khách hàng DN và cá nhân, không yêu cầu chứng minh thiệt hại do Covid-19.
Đồng thời, HDBank có gói tín dụng ưu đãi như cho vay sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng lãi suất từ 3%/năm, ân hạn vốn gốc 6 tháng để chia sẻ gánh nặng chi phí thuê mặt bằng đang gây khó khăn cho các hộ kinh doanh, DN siêu nhỏ, giúp giảm áp lực trả nợ trong thời gian đầu.
Theo ghi nhận, trong đợt giảm lãi suất lần này, có NH đã giảm tới 3 điểm % so với lãi suất cho vay hiện hữu. Như tại NH TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) vừa điều chỉnh giảm lãi suất cho vay tới 3 điểm %/năm so với lãi suất hiện hành đến hết năm 2021 nhằm hỗ trợ người dân và DN trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cụ thể, khách hàng vay vốn phục vụ kinh doanh (hộ kinh doanh) sẽ được giảm tới 3 điểm %/năm và khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, mua nhà giảm 1 điểm %/năm.
Với khách hàng DN, MSB cũng triển khai chính sách hỗ trợ khách hàng hiện hữu và vay mới thuộc lĩnh vực kinh doanh, xuất - nhập khẩu, thương mại dược - y tế, xây dựng thuộc vốn ngân sách nhà nước... với mức lãi suất từ 5,5%/năm với VNĐ và từ 3%/năm với USD.
Về đợt giảm lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm 2021, đã có hàng loạt NH thương mại công bố giảm lãi suất như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, ACB, Sacombank, Bản Việt... Trong đó, có NH thương mại tự động giảm lãi suất đồng loạt từ 0,5 điểm % cho toàn bộ khách hàng cá nhân và DN.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều NH thương mại cho hay quan điểm ở đợt giảm lãi vay lần này là ưu tiên hỗ trợ những ngành nghề, khách hàng cá nhân và DN chịu thiệt hại và tác động nặng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 hiện nay. Do đó, giảm lãi vay không cào bằng đối với tất cả lĩnh vực kinh doanh.
Ghi nhận của phóng viên, nhiều khách hàng DN và cá nhân đang vay vốn tại NH thương mại cho biết đã nhận được thông báo điều chỉnh lãi suất cho vay với mức giảm từ 0,5 điểm %, tùy từng lĩnh vực, ngành nghề. Trong khi đó, một số DN khác vẫn đang chờ thông báo giảm lãi vay cụ thể từ phía NH. Giám đốc một công ty du lịch cho biết công ty ông chưa tới kỳ trả lãi vay nên chưa nhận được thông báo của NH.
"Mức giảm 0,5-1,5 điểm % so với những áp lực tài chính, chi phí đầu vào mà DN phải gồng gánh để trả lương nhân viên, thuê mặt bằng..., không đáng kể. Nhưng có vẫn tốt hơn không. Và DN cần nhất lúc này là có thể được vay vốn mới nhằm duy trì vốn lưu động, trang trải cho hoạt động của công ty, đặc biệt là giữ chân nguồn nhân lực tốt" - một giám đốc công ty nói.
Số liệu thống kê của NH Nhà nước, từ đầu năm 2021 đến nay có 19 tổ chức tín dụng đã công bố công khai về các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện cho khách hàng khôi phục sản xuất - kinh doanh.
Từ nay đến cuối năm, NH Nhà nước cho biết sẽ định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh, trong đó ưu tiên những NH giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ của các NH thương mại phổ biến từ 8%-10%/năm.
Lo nợ xấu ngân hàng tăng
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam, nhận định ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới ngành NH là rất lớn, đặc biệt là nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai. Theo số liệu hiện có, số nợ cơ cấu theo Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 là 347.000 tỉ đồng nhưng con số này có khả năng sẽ còn lớn hơn.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, thời gian tới, sức khỏe của DN và nền kinh tế sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Không chỉ riêng lĩnh vực giao thông vận tải, du lịch bị ảnh hưởng mà rất nhiều lĩnh vực khác cũng chịu tác động. Kể cả những đơn vị sản xuất - kinh doanh có hiệu quả trước đây, dù có đơn hàng, có hợp đồng vẫn phải ngừng hoạt động do công nhân bị nhiễm bệnh...
DN sẽ không có tiền để trả nợ vay trong khi NH phải tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 03/2021 trong giai đoạn 3 năm. Vì vậy, nguy cơ nợ xấu có thể phát sinh trong thời gian tới.
Bình luận (0)