Thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho thấy thông thường khi hết mùa mía thì giá đường sẽ tăng lên nhưng năm nay ngược lại, giá đường giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do đường nhập lậu từ Thái Lan tràn sang với số lượng lớn, lên đến 400.000-500.000 tấn/năm. Trong khi nhu cầu sử dụng đường trong nước chỉ dao động khoảng 1,3-1,4 triệu tấn/năm. Tức lượng đường lậu chiếm gần 1/3 lượng đường tiêu thụ trong nước. Con số này đã tác động lớn đến các nhà máy đường và gây bức xúc cho giới chuyên môn.
Doanh nghiệp kêu lỗ
Các doanh nghiệp mía đường cho biết câu chuyện chống đường lậu không phải bây giờ mới được đặt ra mà đã được triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại thì không thấy, đường lậu vẫn ồ ạt tràn sang biên giới xâm nhập sâu vào nội địa. Bọn buôn lậu vận chuyển đường lậu như chốn không người. Còn cơ quan chức năng địa phương lại cho rằng buôn lậu diễn biến phức tạp, lực lượng lại mỏng nên công tác phòng chống buôn lậu còn hạn chế. Do đó đường lậu không giảm mà năm sau tăng hơn năm trước.
Do đường lậu tràn ngập thị trường, đường trong nước tiêu thụ khó khăn buộc các doanh nghiệp sản xuất, chế biến đường phải giảm công suất. Cả năm qua, một số nhà máy chọn phương án khi rơi vào thời điểm lỗ lã thì họ tạm ngưng sản xuất. Trong khi nhiều nhà máy khác phải gồng mình chịu đựng vì không thể ngưng sản xuất do có ràng buộc bao tiêu vùng mía nguyên liệu với nông dân.
Đường lậu từ Thái Lan khi xâm nhập thị trường nội địa có mức giá sỉ 12.000 đồng/kg. Khi bán lẻ trên thị trường thấp hơn giá đường trong nước 1.000 đồng/kg. Tức giá đường bán lẻ trong nước tại các chợ ở TP HCM là 16.000 đồng/kg, còn đường Thái bán lẻ dao động từ 14.000-15.000 đồng/kg. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, chỉ riêng tại các chợ ở TP HCM, mặt hàng đường lậu của Thái Lan chiếm áp đảo từ 80%-90%. Sở dĩ đường lậu chiếm lĩnh thị trường ngoài việc có mức giá thấp, đường Thái còn có mẫu mã đẹp nên thu hút người mua.
Nông dân thiệt đủ đường
Ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết với giá đường hiện nay, nhiều nhà máy rơi vào tình trạng không có lãi, hoặc bị lỗ. Giá đường bán buôn của nhà máy hiện chỉ còn dưới 12.000 đồng/kg, trong khi giá thành 1 kg đường dao động từ 11.500-13.000 đồng/kg, tùy khu vực. Diện tích trồng mía hiện đang giảm, nếu giá cả tiếp tục bấp bênh thì mùa vụ năm sau, diện tích trồng mía sẽ teo tóp là điều khó tránh khỏi.
Cách nay khoảng 3 năm, giá mía ổn định ở mức 1-1,2 triệu đồng/tấn, đến mùa vụ năm ngoái giảm còn 900.000-950.000 đồng/tấn. Còn hiện nay đang vào đầu vụ mới giá lại giảm mạnh chỉ còn 850.000 đồng/tấn, thậm chí có nơi giảm còn 650.000-700.000 đồng/tấn. Với mức giá trên người trồng mía không có lãi, nên một số vùng trồng mía có năng suất thấp, trữ đường thấp phải phá bỏ ruộng mía để chuyển sang canh tác cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nông dân trồng mía lâu nay còn chịu thiệt thòi về chất lượng mía không được minh bạch, nhất là vào thời điểm hiện nay giá mía giảm mạnh nên dễ bị nhà máy, thương lái ép giá. Do lâu nay nhà máy công bố trữ đường cho người trồng mía, trong khi nông dân hoàn toàn không giám sát được việc giám định này. Nhà máy thông báo chỉ số trữ đường bao nhiêu thì họ phải chấp nhận, do chưa có cơ quan thứ ba đảm nhiệm công việc này. Do đó nhà máy thường đưa trữ đường xuống thấp để mua mía của nông dân với giá thấp.
Ông Nguyễn Hải cho biết sản lượng đường vụ mới này khoảng 1,5 triệu tấn, giảm hơn 100.000 tấn so với mùa vụ trước. Hiện lượng đường tồn kho tại các nhà máy hơn 100.000 tấn. Thời điểm này đang vào đầu vụ thu hoạch, một số nhà máy cũng đã bắt đầu thu mua mía phục vụ sản xuất chế biến.
Bình luận (0)