Số chợ truyền thống, cửa hàng, siêu thị phải tạm ngừng hoạt động vì có liên quan ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh mỗi ngày khiến áp lực mua sắm dồn về những điểm bán đang hoạt động và kênh mua sắm online. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ được cải thiện trong những ngày tới.
Nhiều chợ sẽ bán rau trở lại
Chiều 13-7, ngay khi nhận được công văn hỏa tốc của Sở Công Thương TP HCM, các quận, huyện và TP Thủ Đức đã nhanh chóng hướng dẫn ban quản lý các chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động triển khai các giải pháp thí điểm cho tiểu thương ngành rau củ quả được quay lại bán hàng. Trước mắt, ban quản lý mỗi chợ sẽ rà soát, lựa chọn khoảng 2-10 tiểu thương cho bán rau củ quả. Trong đó, sẽ tính toán, bố trí khu vực bảo đảm giãn cách giữa các tiểu thương. Trường hợp nhiều tiểu thương có nhu cầu kinh doanh, ban quản lý chợ sẽ sắp xếp, tổ chức cho tiểu thương kinh doanh theo hình thức luân phiên.
Các siêu thị đang nỗ lực cung cấp đủ hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng tại TP HCM .Ảnh: HUẾ XUÂN
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết tính đến ngày 12-7, toàn TP chỉ có 63/234 chợ truyền thống đang hoạt động trong khi có đến 171 chợ truyền thống cùng 3 chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Áp lực mua sắm đổ dồn về các hệ thống siêu thị, cửa hàng hiện đại khiến hệ thống này gặp khó khăn do lượng khách quá đông. Chưa kể, một số siêu thị lớn cùng nhiều cửa hàng phải đóng cửa vì có ca F0. Cùng đó, tình trạng thiếu hụt nhân sự do nhân viên bị cách ly, phong tỏa khiến việc cung ứng hàng hóa thông qua hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến đều trở nên quá tải. Cho mở cửa trở lại với hoạt động kinh doanh rau củ quả tại các chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động với điều kiện kiểm soát chặt công tác phòng chống dịch là giải pháp cần thiết nhằm bổ sung điểm cung ứng hàng hóa, giảm tải lượng khách đến hệ thống phân phối hiện đại, bảo đảm việc cung ứng hàng hóa cho người dân.
"Ban quản lý chợ sẽ hướng dẫn tiểu thương chủ động chuẩn bị nguồn hàng, phân chia sẵn, đóng gói sản phẩm theo quy cách đồng giá để thuận tiện trong mua bán, hạn chế tối đa tiếp xúc giữa người bán - người mua. Các khu phố, tổ dân phố sẽ thông tin đến người dân về thời gian bán hàng, chủng loại mặt hàng, quy cách giá bán... để người dân biết, chuẩn bị sẵn tiền để đi chợ lấy hàng, trả tiền nhanh chóng" - ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết.
Đồng thời, ban quản lý chợ sẽ phát thẻ ra vào chợ để kiểm soát số lượng, phân bổ số người đến theo khung giờ nhằm hạn chế tối đa tình trạng tập trung đông người.
Theo Sở Công Thương, bên cạnh giải pháp cấp bách này, về lâu dài, các quận, huyện và TP Thủ Đức cần tổ chức, đánh giá việc thực hiện các phương án phòng chống dịch Covid-19 của các chợ truyền thống trên địa bàn; khắc phục những tiêu chí, điều kiện chưa đạt để sớm đưa vào hoạt động trở lại.
Về buôn bán sỉ hàng hóa, từ đêm 11-7, chợ đầu mối Thủ Đức đã bố trí bãi đỗ container làm nơi trung chuyển rau củ quả để 18 thương nhân lớn tại chợ này tổ chức trung chuyển hàng hóa các tỉnh, thành cung ứng cho TP HCM. Dự kiến, điểm trung chuyển này sẽ cung cấp cho TP khoảng 1.500-2.000 tấn hàng mỗi đêm.
Tăng bán hàng lưu động, đi chợ giúp
Chung tay với TP trong việc đưa hàng hóa thực phẩm đến người tiêu dùng trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tổ chức bán hàng lưu động đến nhiều địa bàn. Đơn cử, trong sáng 13-7, có gần 30 điểm bán lưu động của các DN như Aeon Việt Nam, Đối tác Chân thật, Bách Hóa Xanh, MM Mega Market, Viettel Post... cung cấp thịt, cá, trứng, gạo, rau củ, nước tương, nước mắm... cho người dân một số khu vực ở quận 7, TP Thủ Đức, quận 3, Bình Thạnh, Tân Bình... Mỗi điểm bán khoảng 10-40 loại sản phẩm với giá bằng giá niêm yết tại siêu thị hoặc rẻ hơn.
Công ty Đối tác Chân thật (thuộc Trung tâm Công tác xã hội Thanh thiếu niên Việt Nam) còn phối hợp với các nhà cung cấp, các nhà tài trợ để bán một số mặt hàng thiết yếu rẻ hơn giá bình ổn thị trường. "Trong ngày 13-7, công ty đã tổ chức 15 chuyến xe mang 300 kg thịt, khoảng 4 tấn rau đến bán cho bà con TP. Tùy điều kiện thực tế, công ty sẽ sắp xếp tăng chuyến xe để đưa hàng hóa đến nhiều khu vực hơn nữa" - ông Nguyễn Thanh Hân, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Thanh thiếu niên Việt Nam, cho biết.
Bên cạnh hình thức bán hàng này, các hệ thống Co.opmart, Co.op Food, cửa hàng Satra Foods, Bách Hóa Xanh còn thông qua Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc... các địa phương để phát phiếu mua hàng đến từng hộ dân, gom đơn và giao hàng tại điểm cố định vào ngày hôm sau.
Với hình thức mua hàng online, các hệ thống bán lẻ vẫn đang bảo đảm nguồn hàng cung ứng đủ nhu cầu thị trường, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xử lý đơn hàng. Cho tới thời điểm này, hệ thống Saigon Co.op đã giao thành công hơn 70% đơn hàng online tại trang đặt hàng https://cooponline.vn/; hệ thống MM Mega Market cũng đã "giải phóng" hơn 50% số đơn hàng đồng thời tư vấn một số gói sản phẩm bán qua mạng để đẩy nhanh các khâu đặt hàng, soạn đơn; hệ thống Bách Hóa Xanh thì đã xử lý trên 10.000 đơn hàng mỗi ngày.
Không tăng giá bán lẻ
Các DN khẳng định không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, không thể giữ giá bán như trước đợt dịch này đối với một số mặt hàng rau củ quả do các chi phí vận chuyển, nhân công, xét nghiệm Covid-19... tăng cao khiến giá thành bị đội lên. Riêng các mặt hàng trong danh mục bình ổn thị trường, giá vẫn được giữ ổn định từ đầu tháng 6 đến nay.
Bình luận (0)