Thị trường vắng khách
Giá nhà đất trên mặt bằng cả nước hiện đang có biểu hiện sụt giảm rõ nét, tuy diễn biến không đồng đều và khá phức tạp. Qua khảo sát ở một số địa phương phía bắc thì giá nhà đất có nơi đã hạ tới 30-40% mà vẫn không có người mua.
Chẳng hạn, nhà đất mặt đường ở một số trung tâm huyện lỵ khu vực Vĩnh Tường, Yên Lạc (Vĩnh Phúc); Phong Châu, Đoan Hùng (Phú Thọ); Từ Sơn (Bắc Ninh); Yên Thi, Mỹ Văn (Hưng Yên)... năm 2004 giá lên tới 700 - 800 triệu đồng/mảnh (trên - dưới 100m2), thì nay chào giá 400 - 500 triệu đồng vẫn không có người mua.
Ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, TTBĐS cũng không khá hơn. Khu vực Cổ Nhuế, Thanh Xuân Trung, Mỹ Đình (HN)... năm ngoái mức giá rao phổ biến là trên 20 triệu đồng/m2, đến nay chỉ rao bán ở mức trên - dưới 15 triệu đồng/m2 mà vẫn khó bán. Các văn phòng nhà đất kêu ca: Khách có nhu cầu đi xem, mua nhà đất đã ít, lại chủ yếu xem để tham khảo, rồi bỏ đấy!
Hậu quả khó lường!
Phần lớn DN đang kinh doanh trong lĩnh vực siêu lợi nhuận này cho rằng, TTBĐS đóng băng là do giá vàng "nhảy tănggô" trong thời gian qua, rồi Luật Đất đai mới, cụ thể là Nghị định 181...
Lại có một số ý kiến cho rằng, chúng ta chưa có cơ chế thông thoáng để kéo nguồn vốn từ nước ngoài đầu tư vào khu vực kinh tế này tạo động lực cho TTBĐS sôi động trở lại.
Một ý kiến khác cho rằng, TTBĐS bị đóng băng trong thời gian vừa qua, nguyên nhân chính là do giá nhà đất đã bị đẩy lên ở mức quá cao so với mặt bằng thu nhập chung của đại đa số nhân dân.
TTBĐS đóng băng và có những biểu hiện thoái trào trong thời gian qua, đã gây ra những tác động tiêu cực không nhỏ tới nền kinh tế. Trước tiên, nguồn thu NSNN bị giảm đáng kể. Không ít DN hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này đã hoặc đang trên bờ vực phá sản.
Theo thống kê của Hiệp hội BĐS TP.Hồ Chí Minh, hiện nay có tới 50% các DN kinh doanh địa ốc trên địa bàn đã phải đóng cửa, 30% hoạt động cầm chừng, chỉ còn 20% là tiếp tục đi sâu đầu tư kinh doanh.
Còn ở địa bàn Hà Nội, nếu như mấy năm trước, các văn phòng giao dịch nhà đất, các công ty kinh doanh địa ốc mọc lên như nấm, thì nay lại chẳng khác gì gặp phải lũ quét.
Phía sau sự đổ bể của các DN kinh doanh BĐS là khó khăn của hệ thống ngân hàng. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện số vốn đầu tư vào kinh doanh BĐS ở nước ta có tới trên 60% là tiền vay ngân hàng.
Trên địa bàn TPHCM, có khoảng 4.000 cá nhân, DN đầu tư kinh doanh BĐS với số vốn khoảng 50.000 tỉ đồng, trong đó có tới gần 30.000 tỉ đồng là vay ngân hàng.
Mặt khác, khi lượng tiền vốn của ngân hàng và của các thành phần kinh tế đổ nhiều vào lĩnh vực kinh doanh BĐS, thì chắc chắn các lĩnh vực cần đầu tư khác của nền kinh tế sẽ bị giảm sút.
Đây cũng mới chỉ là những hậu quả bước đầu tác động tiêu cực vào nền kinh tế, nếu TTBĐS tiếp tục đóng băng kéo dài, thì hậu quả sẽ thật khó lường.
Có một kinh nghiệm mà các nhà kinh tế đã đúc rút: Đừng kỳ vọng quá nhiều vào tỉ suất lợi nhuận do đầu tư BĐS đem lại, bởi đây chính là cái mà người ta gọi là kinh tế "bong bóng xà phòng". Nó tạo ra ảo giác về một sức mạnh và lợi nhuận rất lớn nhưng chỉ là khi BĐS đó được đầu tư có hiệu quả, kịp thời và đúng chỗ.
Bởi vậy, đã đến lúc Nhà nước, các nhà đầu tư kinh doanh BĐS cần tung ra thị trường những sản phẩm đúng với giá trị thực, phù hợp với túi tiền của đại đa số người tiêu dùng giúp thị trường sôi động trở lại, tránh những hậu quả về sau.
Bình luận (0)