Là một trong những công ty chứng khoán có nhận định lạc quan, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho biết khi VN-Index đều thiết lập đỉnh lịch sử rồi giảm lại, sau đó thanh khoản giảm nhẹ nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần cho thấy lực cầu mua lên vẫn tốt và dòng tiền đang ở lại thị trường để tìm kiếm cơ hội.
Trên góc nhìn kỹ thuật, SHS cho rằng VN-Index vẫn đang trong sóng tăng với mục tiêu theo lý thuyết trong khoảng 1.530 - 1.550 điểm. Tuy nhiên, trong quá trình đi lên, những rung lắc có thể xảy ra. Dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo 29/11-3/12, VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm để hướng đến ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm.
Còn theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, ở phiên cuối tuần vừa qua, VN-Index tăng điểm bất thành và kết phiên trong sắc đỏ. Thanh khoản tăng so với phiên trước, cho thấy áp lực chốt lời ngắn hạn dần tăng trong khi dòng tiền vẫn còn thận trọng tại vùng cản tâm lý 1.500 điểm. Dù diễn biến không tích cực ở nhiều nhóm cổ phiếu, nhưng VN-Index vẫn giữ được trên vùng hỗ trợ 1.480 - 1.490 điểm VN-Index sẽ tiếp tục được hỗ trợ tại vùng 1.480 - 1.490 điểm trong thời gian tới. Nhà đầu tư tạm thời nên chậm lại, chờ tín hiệu tại vùng hỗ trợ 1.480 - 1.490 để đánh giá lại trạng thái thị trường. Nên giữ danh mục ở mức cân bằng, tránh ở mức quá mua, để không gặp phải rủi ro bất ngờ.
Cũng thận trọng, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS) cho rằng với phiên giao dịch thận trọng hôm cuối tuần, khả năng thị trường còn có thể điều chỉnh trong đầu tuần tới, nhà đầu tư nên theo dõi sát tin tức dịch bệnh để đánh giá mức độ sảnh hưởng lên từng nhóm ngành cụ thể. Theo đó, nhà đầu tư cần giảm mức độ sử dụng vợ vay, để quản trị rủi ro. Danh mục đầu tư trung hạn có thể quan nhóm cổ phiếu ngành bất động sản, chứng khoán, xuất khẩu thủy sản đang được dự báo tăng trưởng lợi nhuận trong các quý tiếp theo.
Đóng cửa phiên giao dịch tuần trước, VN-Index đã giảm điểm, còn 1.493,03 điểm.
Tính chung cả tuần, VN-Index đã tăng 40,68 điểm (2,8%) so với tuần trước đó; HNX-Index cũng tăng 4,66 điểm, lên 458,63 điểm; UPCoM-Index tăng 1,1 điểm lên 114,34 điểm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua, tiếp tục đánh dấu mốc lịch sử khi vượt ngưỡng 1.500 điểm nhẹ nhàng. Đáng chú ý là thanh khoản tiếp tục ở mức cao, dòng tiền vẫn đổ mạnh vào thị trường.
Đáng chú ý, tuần qua khối tự doanh các công ty chứng khoán đã quay lại mua ròng trên HoSE sau 3 tuần bán ròng liên tiếp. Họ đã mua vào 54,7 triệu cổ phiếu, trị giá 2.624 tỉ đồng, trong khi bán ra 48,8 triệu cổ phiếu, trị giá 2.496 tỉ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 5,9 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 128 tỉ đồng.
Trong khi đó, thống kê cũng cho thấy các nhà đầu tư cá nhân trong nước có tuần mua ròng thứ 4 liên tiếp trên HOSE với giá trị tăng 50% so với tuần trước đó và đạt 4.711 tỉ đồng. Tính chung cả 4 tuần giao dịch tháng 11, họ mua ròng đạt tổng cộng 14.297 tỉ đồng. Nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh thì cá nhân trong nước mua ròng 4.265 tỉ đồng, tăng 41% so với tuần trước.
Đáng quan ngại và nhà đầu tư nên thận trọng quan sát là thị trường chứng khoán thế giới cuối tuần qua cũng "đỏ rực", khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo về chủng mới của virus SARS-CoV-2 vừa được phát hiện ở Nam Phi. Từ đó, Dow Jones giảm 905,04 2,53% xuống 34.899,34 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất từ đầu năm 2021. S&P 500 mất 2,27%, xuống còn 4.594,62 điểm.
Bình luận (0)