xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thị trường phục hồi mạnh mẽ, Vietnam Airlines đặt mục tiêu sớm có lãi

Dương Ngọc

(NLĐO)- Năm 2022, Vietnam Airlines dự kiến mức lỗ của công ty mẹ khoảng 9.335 tỉ đồng, giảm 2.498 tỉ đồng so với năm 2021 và tiến tới sớm có lãi.

Dự kiến lỗ khoảng 9.335 tỉ đồng

Ngày 28-6, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HoSE: HVN), Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết tổng doanh thu hợp nhất tổng công ty năm 2021 ở mức 29.752 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ âm 11.833 tỉ đồng, giảm lỗ 1.075 tỉ đồng so với kế hoạch. Lỗ hợp nhất trước thuế thấp hơn 1.339 tỉ đồng so với số lỗ kế hoạch đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông.

Thị trường phục hồi mạnh mẽ, Vietnam Airlines đặt mục tiêu sớm có lãi - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà

Theo Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà, tổng số tiền nợ Vietnam Airlines phải trả các nhà cung cấp giãn hoãn thanh toán tại thời điểm cuối năm 2021 là 12.851 tỉ đồng, chủ yếu là nợ tiền thuê máy bay, sửa chữa bảo dưỡng, chi phục vụ chuyến bay… Tổng công ty đang tiếp tục làm việc với các đối tác về phương án cơ cấu lại thời gian và số tiền trả nợ nhà cung cấp.

Về tái cơ cấu các khoản nợ vay, năm 2021, kết quả tái cơ cấu nợ vay trong và ngoài nước là khoảng 3.203 tỉ đồng. Tổng vốn vay ngắn hạn dự kiến đến 31-12-2021 là 4.098 tỉ đồng.

Trong năm 2021, Vietnam Airlines đã triển khai thành công gói giải pháp tháo gỡ khó khăn về thanh khoản quy mô 12.000 tỉ đồng. Trong đó, hoàn thành việc phát hành thêm hơn 796 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tăng thêm 7.961 tỉ đồng bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, hoàn thành ký kết hợp đồng tín dụng thuộc gói vay tái cấp vốn với ba ngân hàng thương mại với tổng số tiền cho vay là 4.000 tỉ đồng bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thanh toán các nghĩa vụ nợ, giải tỏa một phần áp lực trả nợ quá hạn và nợ vay. Trữ lượng tiền cuối năm duy trì ở mức 2.689 tỉ đồng là nguồn tài chính quan trọng để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh trong giai đoạn tới.

Quy mô vốn chủ sở hữu công ty mẹ cuối năm giảm còn 5.274 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu hợp nhất là 524 tỉ đồng.

Năm 2022, thị trường hàng không nội địa đang phục hồi mạnh mẽ sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Tổng thị trường khách nội địa 5 tháng đầu năm 2022 tăng 3,6% so sánh cùng kỳ năm 2019. Đối với Vietnam Airlines, khách nội địa vượt 7,7% so 2019.

Thị trường quốc tế cũng đang từng bước phục hồi. Theo dự báo gần nhất (tháng 6-2022), IATA dự báo thị trường quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương sẽ hồi phục vào 2024. Thị trường quốc tế của Vietnam Airlines dự kiến cũng không nằm ngoài khả năng này.

6 tháng đầu năm 2022, Vietnam Airlines đã khai thác trở lại đến 14 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hôm 15-6, hãng đã mở thêm đường bay mới đến Ấn Độ. Hãng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ngay lập tức khai thác trở lại các đường bay đến Trung Quốc, Myanmar, Nga khi điều kiện cho phép. Tổng số đường bay quốc tế đang khai thác đạt 35 đường bay, bằng 53% so 2019. Từ tháng 7-2022, Vietnam Airlines sẽ nâng số đường bay quốc tế lên 39 đường bay, bằng 60% so 2019.

Đến tháng 7-2022, Vietnam Airlines sẽ nối lại đường bay Indonesia. Tháng 11-2022, các đường bay quốc tế trọng điểm (Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…) đặt mục tiêu khôi phục lại tần suất tương đương năm 2019, đường bay Châu Âu tiếp tục hoàn thiện tần suất. Vietnam Airlines kỳ vọng cuối năm 2023, có thể phục hồi toàn bộ mạng bay quốc tế tương đương năm 2019.

Việc dần phục hồi khai thác các đường bay quốc tế là cơ hội để Vietnam Airlines nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tăng doanh thu, nâng cao kết quả sản xuất kinh doanh, giảm lỗ và tiến tới có lãi trở lại trong các năm tới.

Tuy nhiên, căng thẳng Nga - Ukraine bùng phát, dẫn tới giá dầu thế giới leo thang, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tốc độ phục hồi của các nền kinh tế sau hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vietnam Airlines dự kiến tình hình sản xuất - kinh doanh sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của giá nhiên liệu Jet A1 tăng mạnh dẫn đến chi phí doanh nghiệp tăng cao, tốc độ phục hồi thị trường quốc tế còn nhiều rủi ro, thua lỗ sản xuất - kinh doanh vẫn có thể ở mức cao, dòng tiền tiếp tục bị suy giảm và thâm hụt. Mức lỗ của công ty mẹ dự kiến khoảng 9.335 tỉ đồng, mức lỗ đã cải thiện 2.498 tỉ đồng so với năm 2021.

Sẽ bán 32 máy bay, hủy 50% hợp đồng mua mới

Nói về nguy cơ bị hủy niêm yết do thua lỗ, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines, cho biết hãng đã xây dựng 2 đề án lớn, trong đó đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025 với nhiều giải pháp hỗ trợ Vietnam Airlines có thể tăng thu nhập, thoát lỗ luỹ kế 3 năm liên tiếp, thoát âm vốn chủ sở hữu, hy vọng sẽ sớm được Chính phủ xem xét biện pháp hỗ trợ.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cho biết Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025, tập trung vào các lĩnh vực sau:

Tái cơ cấu đội bay thông qua đàm phán với các bên cho thuê tàu bay để: Giãn, hoãn tối đa thời hạn thanh toán và giảm giá tiền thuê; Đẩy lùi lịch nhận các máy bay mới (B787-10, A320NEO); Hủy 50% tổng số hợp đồng các máy bay chưa nhận. Ngoài ra, dự kiến từ năm 2022, Tổng công ty sẽ chuyển đổi cấu hình 2 máy bay A321 thành A321 Freighter theo hình thức bán và thuê lại 2 máy bay này.

Thị trường phục hồi mạnh mẽ, Vietnam Airlines đặt mục tiêu sớm có lãi - Ảnh 2.

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa

Giai đoạn 2021-2025, Vietnam Airlines dự kiến sẽ bán 32 máy bay, trong đó bán 26 chiếc A321CEO và 6 chiếc ATR72.

Dự kiến sẽ bán và thuê lại máy bay (SLB) với 2 chiếc A321 CEO cũ và 2 động cơ dự phòng trong năm 2022. Phương án SLB sẽ được thực hiện khi phương án bán gặp khó khăn trong quá trình triển khai. TCT đặt kế hoạch thực hiện SLB 12 máy bay thân hẹp và 2 động cơ dự phòng nằm trong Dự án mua máy bay thân hẹp vào năm 2025.

Tái cơ cấu nguồn vốn, trên cơ sở phê duyệt của các cấp có thẩm quyền về các giải pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách, Vietnam Airlines sẽ phát hành thêm cổ phần tăng vốn trong giai đoạn 2022-2023 và cân nhắc tiếp tục tăng vốn trong năm 2024-2025 trường hợp ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài. Hình thức phát hành cổ phiếu là chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư mới.

Đồng thời, Vietnam Airlines sẽ triển khai huy động nguồn vốn từ bên ngoài thông qua: phát hành trái phiếu trong nước hoặc ra quốc tế trong 2 năm 2023-2024 theo hình thức phù hợp và khả thi (phát hành riêng lẻ hoặc ra công chúng), vay thương mại từ các tổ chức tín dụng trong nước, vay tín dụng xuất khẩu... Bên cạnh đó, hãng sẽ thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ vay dài hạn hiện có, giãn hoãn trả nợ vay sang các năm sau, xây dựng và triển khai phương án vay ngắn hạn trong khuôn khổ chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.

Đồng thời, Vietnam Airlines sẽ tái cơ cấu danh mục đầu tư: Chuyển nhượng toàn bộ vốn đã đầu tư tại nhóm doanh nghiệp đa ngành nghề để tập trung vào lĩnh vực vận tải hàng không và các dịch vụ đồng bộ trong dây chuyền vận tải hàng không… Bên cạnh đó, thành lập mới doanh nghiệp, trong đó chú trọng vào các lĩnh vực phục vụ khách hàng, Logistic và du lịch, các lĩnh vực gắn với nền tảng dữ liệu khách hàng, các lĩnh vực dịch vụ đồng bộ gắn với sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành.

Vietnam Airlines cũng sẽ tái cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn; tái cơ cấu danh mục đất và tài sản trên đất, tái cơ cấu đổi mới quản trị doanh nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số…

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo