Ngày 13-9, Bộ Công Thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị phát triển xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm đáng kể trong những tháng qua.
Có mặt hàng giảm đến 67,5%
Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2019 đạt 3,83 tỉ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ. Trong đó, gạo giảm tới 67,5%; sắn giảm 9,6%; cà phê giảm 8,9%; rau quả giảm 8,1%... Trước sự sụt giảm này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh lại Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với nông thủy sản Việt Nam trong những năm qua. "Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn, thị trường xuất nhập hàng đầu của Việt Nam. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu lớn nhất trong ASEAN sang Trung Quốc" - ông Trần Tuấn Anh cho hay.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cho rằng sớm giải quyết những vấn đề tồn tại trong xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc để bảo đảm lợi ích trong quan hệ thương mại song phương. "Không thể chậm trễ được nữa vì Trung Quốc ngày càng đặt ra nhiều hàng rào, yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc" - ông Trần Tuấn Anh nhắc nhở.
Xe container chở thanh long Bình Thuận xuất khẩu sang Trung QuốcẢnh: Việt Khánh
Làm rõ hơn về sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu thời gian qua, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết từ giữa năm 2018 đến nay, phía Trung Quốc đã tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động thực vật và chất lượng hàng hóa nông thủy sản nhập khẩu. Điều này phần nào tác động đến tiến độ xuất khẩu nông thủy sản của ta sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh yếu tố về cung cầu thị trường đối với một số mặt hàng cụ thể như gạo, sắn... Chưa kể, tập quán làm ăn manh mún cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), nêu thực tế sản xuất nông thủy sản của Việt Nam còn chạy theo số lượng, chất lượng thấp, giá trị gia tăng thấp. Ngoài ra, người sản xuất cũng không quan tâm đến dung lượng thị trường, nhu cầu, thị hiếu, đặc biệt là thị trường đông dân như Trung Quốc.
"Nhiều người vẫn nhận thức Trung Quốc là chợ biên giới, nên mới có chuyện thương lái đưa hàng lên biên giới rồi mới tìm người mua, thiếu kết nối người bán - người mua, không quan tâm đến nhu cầu. Bao bì, đóng gói, nhãn mác tùy tiện" - bà Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh.
Rất nhiều việc phải làm
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, mặc dù nhóm hàng rau quả giảm về kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nhưng 8 loại trái cây chính ngạch vẫn tăng 30%. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đưa các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đi vào quy củ, từ khâu sản xuất, chế biến, tổ chức thị trường...
Nhắc đến câu chuyện hàng hóa nông sản bị ùn ứ tại các cửa khẩu mà báo chí thường xuyên nêu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh đây là điểm yếu của nền sản xuất chưa đi vào chuyên nghiệp. "Vì sao ùn ứ, ế hàng hóa vẫn thường xuyên xảy ra? Vì chúng ta sản xuất không có thông tin, không theo yêu cầu của thị trường. Sản xuất mà không chế biến, chỉ muốn bán tươi, trong khi bán tươi thu được ít tiền, lại bấp bênh, được mùa thì mất giá" - ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Lấy dẫn chứng về sản phẩm vải thiều của Bắc Giang năm nay sản lượng chỉ bằng 2/3 những năm trước nhưng giá trị lại tăng hơn 20%, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thành quả này là nhờ sự chung tay vào cuộc của chính quyền, doanh nghiệp và nông dân. "Khi quả vải đang xanh, tỉnh đã sang Trung Quốc để tìm thị trường, bàn với họ về cách thức đóng gói, mẫu mã phù hợp. Khi hàng xuất khẩu lên biên giới, Bắc Giang kết nối với Lạng Sơn để hàng hóa được thông quan thuận lợi" - bộ trưởng Bộ NN-PTNT nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm của địa phương, ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết tỉnh xác định Trung Quốc không phải là thị trường dễ tính như cách hiểu truyền thống. Do đó, Bắc Giang đã xây dựng chiến lược phát triển cây vải thiều đồng bộ từ quy hoạch sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu và chú trọng đóng gói, tem nhãn nhằm gia tăng giá trị kinh tế.
Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải cho rằng để giải quyết các tồn tại trong việc xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc cần có quy hoạch, định hướng lại công tác sản xuất căn cứ theo nhu cầu, dung lượng thị trường và mùa vụ. Cần hướng dẫn cho người dân các quy định, tiêu chuẩn của Trung Quốc. "Bên cạnh đó, cần có chính sách tạo thuận lợi cho thủ tục thông quan tại biên giới; mở cửa thị trường cho nông sản cũng như xây dựng kênh tiêu thụ, phân phối hàng hóa tại Trung Quốc. Đồng thời, đáp ứng đầy đủ quy định về bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhà xưởng sản xuất, vùng trồng..." - ông Trần Thanh Hải liệt kê những việc cần làm ngay lúc này.
Bình luận (0)