Hiện nay, các thương hiệu vàng tên tuổi đều đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm với Nhà nước, rồi tự chịu trách nhiệm, quản lý và bảo vệ sản phẩm của mình. Trong khi đó, phần lớn các tiệm vàng sản xuất vàng nhẫn, nữ trang không đăng ký chất lượng sản phẩm. Tình trạng gian lận trọng lượng, độ tuổi ngày càng phổ biến. Người tiêu dùng mua phải các sản phẩm này không biết kêu ai.
Ăn chặn 2%-5%
Thị trường vàng đã xuất hiện vàng miếng SJC bị bào mòn 4 cạnh hoặc giảm độ tuổi xuống 95%. Còn vàng nhẫn được phủ lên bề mặt sản phẩm lớp vàng 9999 nhưng thực chất bên trong độ tuổi rất thấp. Người tiêu dùng mua các loại vàng này thường bị “móc túi” 2%-5% giá trị.
Liên quan đến vàng nữ trang, lãnh đạo một ngân hàng (NH) có thế mạnh về kinh doanh vàng cho biết: Do cạnh tranh không lành mạnh nên loại vàng này hao hụt trọng lượng, bị pha trộn tạp chất… là “chuyện thường ngày”. Nhà sản xuất cố tình đưa vàng có độ tuổi thấp, kim loại khác vào nữ trang… để trục lợi.
Một số người trong cuộc cũng cho rằng dù các nhà sản xuất đã đăng ký chất lượng nhưng không ai dám bảo đảm mọi sản phẩm của họ đều đạt tiêu chuẩn như đã đăng ký. Thị trường vàng nhẫn, vàng nữ trang đang hết sức lộn xộn, hình thành luật bất thành văn “mua đâu – bán đó”, nếu không người bán sẽ bị ép giá. Thậm chí khi đến đúng địa chỉ, người bán vẫn bị ép giá nếu không có chứng từ đã mua hàng của nhà sản xuất...
Không ai kiểm tra, xử phạt
Theo ông Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm Vàng NH Á Châu (ACB), việc phát hiện các hành vi gian lận sản phẩm vàng đang là vấn đề nan giải của các cơ quan quản lý Nhà nước. “Ngay công tác quản lý hao hụt nguyên liệu vàng và chống gian lận tuổi vàng trong nội bộ Trung tâm Vàng ACB cũng là cả một vấn đề, nói gì đến bên ngoài. Vì không ai xử phạt nên các nhà sản xuất vàng cứ vô tư giảm chất lượng sản phẩm, hậu quả là người tiêu dùng phải gánh chịu thiệt hại” - ông Khanh cho biết.
Thực tế cho thấy việc quản lý thị trường vàng hiện rất chồng chéo. Ngoài các NH, doanh nghiệp kinh doanh vàng thuộc sự quản lý của sở kế hoạch - đầu tư các tỉnh, TP. NH Nhà nước cấp giấy phép sản xuất vàng miếng nhưng chỉ quản lý ở góc độ xuất - nhập khẩu vàng. Khi các sản phẩm vàng lưu thông trên thị trường, được xem là hàng hóa thì việc quản lý chất lượng thuộc ngành công thương...
Mua vàng nữ trang, khách hàng chỉ trông chờ vào uy tín của tiệm vàng. Ảnh: Hồng Thúy
Ông Trần Trọng Quốc Khanh cho rằng việc giám định sản phẩm vàng đòi hỏi phương pháp khoa học, máy móc, công nghệ phức tạp. Hiện nay, có 5 phương pháp kiểm định vàng phổ biến, trong đó các phương pháp tiên tiến cho kết quả ổn định với độ chính xác cao là huỳnh quang tia X, nhiệt kim và ICP. Vì thế, ông Khanh đề xuất Nhà nước thành lập trung tâm giám định sản phẩm vàng do Bộ Khoa học và Công nghệ làm “chủ xị”…
Trong khi đó, ông Huỳnh Anh Chương, Phó Giám đốc Công ty UniGold, cho biết năm 2009-2010, các doanh nghiệp đã thu gom vàng miếng, rồi chế tác thành các loại nữ trang nặng từ 5-10 kg để lách luật xuất khẩu hàng chục tấn vàng. Nếu thời gian tới, giá vàng thế giới thấp hơn trong nước trên 10% (thuế suất xuất khẩu vàng hiện nay là 10%) thì tình trạng lách luật xuất khẩu vàng sẽ tái diễn. Thị trường vàng rất khó đi vào quy củ...
Nên có thương hiệu vàng quốc gia Hiện cả nước có khoảng 10 thương hiệu vàng miếng 9999 nhưng giá cả của mỗi thương hiệu chênh lệch nhau từ vài chục ngàn đồng đến gần 1 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, ngoài SJC, các thương hiệu khác chỉ chiếm 10% thị phần. Vì thế, theo các chuyên gia trong lĩnh vực vàng, Nhà nước nên tập trung các thương hiệu thành thương hiệu vàng miếng quốc gia, do Nhà nước sản xuất. Các doanh nghiệp sản xuất vàng miếng hiện nay sẽ là đơn vị gia công. Khi đó, người dân sẽ giảm thiệt thòi vì có thể mua bán vàng ở các tỉnh, TP cùng một mức giá. |
Bình luận (0)