Đổi xe, chọn chiếc cao giá
Cửa hàng bán xe SYM trên đường Yết Kiêu vốn được xem là điểm bán xe lớn của hãng này ở Hà Nội, chỉ trong buổi sáng thứ 7 đã có hơn 10 khách hàng đến xem xe và rất nhiều trong số này đã mua luôn một "con" ứng ý. Chị bán hàng ở đây cho biết, đa số xe được bán là loại tay ga Attila đang được ưa chuộng, không chỉ kiểu xe mới và một số chiếc kiểu cũ cũng được khách hàng chọn mua: "Khách mua xe nhiều lại là xe đắt tiền nên cửa hàng cũng bán thêm được nhiều phụ kiện. Lâu lắm rồi mới có ngày bán được hàng như hôm nay" - Chị bán hàng nói.
Trong khi đó, một chủ cửa hàng bán xe Honda trên đường Trần Duy Hưng cho biết: cửa hàng này mở chưa lâu lắm, lúc mở ra đúng vào thời điểm Hà Nội mở rộng cấm xe máy nên suốt thời gian qua buôn bán chưa ổn. Nhưng ngay sau khi thành phố cho đăng ký xe trở lại thì bắt đầu bán được. Ngày thứ 6 bán được mấy chiếc Wave, ngày thứ 7 được bốn chiếc Spacy Việt Nam... Ông chủ cửa hàng hy vọng, những này tiếp theo chắc còn bán chạy nữa vì Tết sắp đến.
Việc bán chạy hàng cũng khiến cho anh Long - chủ một của hàng xe máy lớn trên phố Thái Phiên rất vui vẻ, anh cho biết, dân Hà Nội đời sống có khá lên nhiều nhưng mua ôtô thì đa số vẫn chưa thể mà nhu cầu đổi xe là rất lớn nhất là các bà, các cô đang chạy những "con" 82, Wave... lâu năm rất muốn đổi xe tay ga. Người sang thì đến Bà Triệu, Phố Huế có Sapcy, Dyland... nhập khẩu; dân vừa tiền thì các hãng trong nước có Attila, Spacy Việt Nam, Mio... Anh Long tiết lộ, hai ngày nghỉ, tại 3 cửa hàng của anh trên các phố đến bán chạy gấp 5 - 6 lần trước kia. Phần lớn xe bán ra là các loại xe cao giá cho những người có nhu cầu đổi xe.
Trước đây, muốn đổi xe sang, tiền biển cũng theo tỷ lệ mà đắt lên, mất 4 - 5 triệu, nên nhiều người phân vân; nay thì cứ thoải mái. Bên cạnh đó, các loại xe khác cũng bán được hơn nhưng không chạy bằng. Với tình hình này, những dịp cuối tuần sẽ bán rất chạy, nhất là sau đợt Tết dương lịch và sát Tết âm lịch vì người dân có tiền đi mua nhiều - anh Long dự đoán.
Xe Trung Quốc cũng có cơ hội
Phố Nguyễn Lương Bằng, đoạn sát ngã tư Khâm Thiêm trước đây dày đặc các cửa hàng bán xe Trung Quốc lắp ráp. Những năm 2000 - 2001, dân ở đây làm ăn rất trúng, thậm chí nhiều nhà mở cửa hàng trong ngõ cũng bán được. Thế nhưng từ khi thành phố có quyết định tạm dừng đăng ký xe, việc buôn bán tụt giảm thê thảm, hầu hết đều chuyển nghề, rất ít cửa hàng bám trụ, nhưng buôn bán rất ế ẩm.
Theo những người bán hàng còn trụ lại ở phố này, khi bị cấm đăng ký, người dân cho rằng sẽ cấm lâu dài, ai cũng nảy sịnh tâm lý "chắc ăn" nên chọn mua xe tốt, xe Trung Quốc gần như không bán được ở Hà Nội nữa. Nay Hà Nội cho đăng ký thoải mái nên xe Tàu cũng bắt đầu bán được. Khách hàng vẫn là những đối tượng cũ: dân lao động cần phương tiện đi lại, học sinh, sinh viên đi thực tập, làm thêm cần xe cho chủ động...
Trong hai ngày nghỉ cuối tuần vừa qua, những cửa hàng nhỏ đầu phố Nguyễn Lương Bằng cũng bán được 7 - 8 chiếc chiếc là một con số kỷ lục trong gần hai năm lại đây. Tuy nhiên, theo các chủ cửa hàng thì lượng hàng bán ra tuy có tăng nhưng chắc sẽ không có nhiều đột biến và không bao giờ có được sự sôi động như ngày xưa vì bây giờ nhiều hãng lớn liên tục giảm giá và tung ra những loại xe có giá bình dân.
Chợ xe cũ vẫn có đời sống riêng
Hơn hai năm cấm đăng ký xe máy, các chợ xe máy cũ Hà Nội như Phùng Hưng, Thủ Lệ và nhất là Chùa Hà được thời làm ăn, những tay buôn như tìm được thời hoàng kim những thập niên trước khi đa số xe máy còn nhập khẩu và giá cực đắt. Những năm 2003 - 2004, chợ xe máy Chùa Hà tuy mới mở nhưng đã rất tấp nập, việc buôn bán xe máy cũ phát triển trở lại một phần nhờ Hà Nội cấm đăng ký xe mới.
Ai có xe cũ bán, đều được chủ hàng ở chợ rất săn đón và giá xe bao giờ cũng được công khai cộng thêm một vài triệu tiền biển, xe được "vuốt" lại rồi bán ngay cho người dân thành phố chứ không cần phải đưa đi đâu xa. Chuyện giấy tờ thì cũng không có gì rắc rối, viết tay, cần thì chứng nhận nhưng đa số cũng không ai quan tâm.
Cứ tưởng, bỏ cấm đăng ký xe chợ xe cũ sẽ bớt sôi động nhưng hoàn toàn không phải như vậy, chợ xe cũ vẫn sôi động với đời sống riêng của nó.
Mang chiếc SYM cũ của mình ra chợ rao bán, một tay buôn xe còn khá trẻ xen qua rồi nói chắc giá 6,5 triệu. Thấy khách có vẻ chưa vừa giá, tay mua xe vẫn giữ chắc lấy tay lái không cho đi để giải thích thêm: Xe của anh trước đây được xấp xỉ 8 triệu đồng, nay Hà Nội cho đăng ký, xe cũ chủ yếu bọn em chuyển về quê, mất công làm giấy chuyển vùng, chuyển chủ nên bớt một chút mới kiếm ăn được.
Hỏi chuyện người buôn xe thì được biết: Hà Nội bỏ cấm đăng ký xe, chợ xe cũ mất đi một cách làm ăn nhưng không vì thế mà bị ảnh hưởng. Xe vẫn mua vào đều, thậm chí cuối năm vẫn tăng mua. Chỉ có điều thay vì bán nhiều cho dân ở đây thì lại chuyển về quê như ngày xưa. "Vẫn kiếm ăn được" - người buôn xe nói rồi đưa điện thoại của mình và xin số điện thoại người bán với chủ ý mua bằng được con xe cũ của tôi.
Bình luận (0)