Trong bối cảnh nhiều quốc gia đua nhau mua vàng vào những thời điểm giá thấp thì Việt Nam lại xuất khẩu vàng rồi phải nhập khẩu vàng khi giá cao. Đây là vấn đề nan giải đối với Ngân hàng (NH) Nhà nước - cơ quan quản lý thị trường vàng.
Thế giới đua nhau trữ vàng
Chỉ hai tháng đầu năm 2011, Trung Quốc mua 200 tấn vàng. Mexico mua 98 tấn vàng trong tháng 5-2011, tiếp đến Nga mua 48 tấn, nâng dự trữ vàng lên 836,7 tấn. Thái Lan cũng mua thêm gần 19 tấn vàng đưa số vàng dự trữ lên trên 127 tấn…
Thời gian gần đây, các quỹ đầu tư vàng cũng mua vào nhiều hơn bán ra. Điển hình, từ tháng 7-2011 đến nay, quỹ đầu tư hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust mua vào gần 100 tấn vàng nhưng chỉ bán ra trên 30 tấn vào những thời điểm giá vàng chạm ngưỡng 1.900 USD/ounce…
Theo các chuyên gia, do USD từ năm 2000 đến 2010 mất giá đến 37,5% và còn tiếp tục suy yếu nên các tổ chức tài chính, nhiều quốc gia có xu hướng chuyển sang dự trữ vàng. Đặc biệt, Trung Quốc dự trữ ngoại tệ lên tới 3.200 tỉ USD và đang gấp rút nâng số vàng dự trữ từ 1.054 tấn lên 8.000 tấn. Ngay cả Thái Lan dự trữ ngoại tệ chỉ có 176 tỉ USD cũng tranh thủ mua vàng để tránh rủi ro. Trong khi đó, số vàng dự trữ của Mỹ hơn 8.000 tấn. Ý, Đức, Pháp…, mỗi quốc gia đều dự trữ vàng từ 2.400 đến 3.000 tấn nhưng lại hạn chế bán ra. Giá vàng thế giới trong 10 năm qua đã tăng 464%, lượng vàng dự trữ của các nước tăng mạnh, kéo số vàng vật chất thế giới hiện có lên khoảng 163.000 tấn.
Lỗ 17,8 triệu USD/tấn vàng
Cũng theo các chuyên gia về thị trường vàng, từ năm 2009 đến hết tháng 7-2011, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 170 tấn vàng nhưng chỉ nhập khẩu khoảng 30% số vàng đã xuất. Cuối tháng 6 -2011, các NH trên địa bàn TPHCM cũng tồn kho khoảng 91 tấn vàng (chưa kể lượng huy động vàng tại Hà Nội và các địa phương khác). Trong khi đó, Hội đồng Vàng Thế giới ước tính số vàng tồn trong dân tại Việt Nam khoảng 500 tấn. Nếu trừ đi số vàng đã xuất khẩu và số vàng đang nằm ở tại các NH thì số vàng người dân đang nắm giữ trên 200 tấn, nhiều hơn số vàng dự trữ của Thái Lan.
Câu hỏi đặt ra là tại sao NH Nhà nước không có giải pháp để lưu thông số vàng đang tồn trong dân, thay thế cho việc xuất khẩu vàng giá thấp rồi lại nhập khẩu vàng với giá cao, gây thiệt hại cho nền kinh tế?
Cụ thể: Với mức giá trung bình 1.800 USD/ounce của những ngày gần đây, việc nhập khẩu 1 tấn vàng đã “nuốt” khoảng 57,8 triệu USD, trong khi 7 tháng đầu năm 2011, Việt Nam xuất khẩu 30 tấn vàng thu về 1,2 tỉ USD, tính ra trung bình 40 triệu USD/tấn. Như thế, trước mắt, nền kinh tế phải bù đắp 17,8 triệu USD/tấn vàng nhập khẩu...
Cần “giữ vàng dài hạn”
Với quyền năng và công cụ sẵn có, nhiều chuyên gia cho rằng Nhà nước có đủ nguồn lực để “giữ vàng dài hạn”, thay cho biện pháp hạn chế xuất khẩu vàng bằng thuế suất 10%. NH Nhà nước có thể tổ chức thu mua vàng trong nước (hoặc thông qua một số đơn vị đầu mối) theo giá thế giới quy đổi. Giải pháp này sẽ bổ sung dự trữ vàng quốc gia, tăng vị thế và sức mạnh can thiệp thị trường của NH Nhà nước, duy trì được dự trữ vàng trong nước, tạo niềm tin cho người dân khi thị trường đã có NH Nhà nước sẵn sàng điều tiết. Các doanh nghiệp muốn mua được vàng của người dân, buộc phải nâng giá lên theo sát giá thế giới hoặc bằng giá thu mua của NH Nhà nước, nhờ đó triệt tiêu động cơ xuất khẩu vàng.
Để thực hiện giải pháp trên, NH Nhà nước cần xem xét tìm đầu ra để tránh rủi ro về giá đối với số vàng đã mua từ dân. Theo thạc sĩ Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm Vàng NH Á Châu, NH Nhà nước chỉ giữ một phần số vàng đã mua trong nước để chủ động bán can thiệp thị trường khi cần thiết nhằm hạn chế nhu cầu nhập khẩu vàng. Mặt khác, NH Nhà nước gửi một phần ra nước ngoài (chọn quốc gia có nền tảng kinh tế-chính trị vững chắc, ít rủi ro), có thể dùng số vàng đó làm tài sản thế chấp để tiếp cận các nguồn vốn đa phương cấp quốc gia hoặc cho các mục đích khác, đồng thời bán vàng qua tài khoản ở nước ngoài để bảo hiểm số vàng đã mua trong nước.
Theo ông Khanh, về mặt kỹ thuật, bán vàng tài khoản được xem là “xuất khẩu vàng nhưng không giao hàng”. Khi đó, NH Nhà nước sẽ nợ nước ngoài về vàng tài khoản cho đến khi mua lại vàng tài khoản, tất toán trạng thái với nước ngoài... Trường hợp sau khi mua vàng của dân nhưng giá vàng lại đi xuống, NH Nhà nước cần tiếp tục mua thêm vàng để bình quân giá hoặc tìm hướng xử lý khác? Đây sẽ là vấn đề gây nhiều tranh luận vì liên quan đến trách nhiệm xử lý nếu NH Nhà nước không chuẩn bị kỹ nhiều kịch bản ứng phó.
Xếp hàng mua vàng ! Ngày 24-8, giá vàng trong nước giảm mạnh khiến người dân TPHCM đổ xô đi mua vàng. Mở cửa đầu ngày, vàng SJC được niêm yết giá mua vào 47,4 triệu đồng/lượng, bán ra 47,7 triệu đồng/lượng. Sau đó, vàng tiếp tục đà giảm với biên độ hẹp. Trong ngày, giá vàng biến động với xu hướng giảm là chính. Có lúc, giá vàng giảm xuống còn 47,4 triệu đồng/lượng, buổi chiều mua vào cũng giảm sát về mốc 47 triệu đồng/lượng. Đến 16 giờ 30 phút, giá vàng hồi phục nhẹ ở mốc 47,3 triệu đồng/lượng mua vào – 47,6 triệu đồng/lượng bán ra. Tính ra, so với chiều hôm trước, giá vàng giảm 850.000 đồng/lượng và giảm đến 1,6 triệu đồng/lượng so với mức “đỉnh” của giá vàng. Thị trường vàng hôm qua tiếp tục có sóng lớn nhưng không phải về giá mà về lượng giao dịch. Khách giao dịch tại SJC tăng đột biến buộc nhân viên phải yêu cầu xếp hàng chờ mua vàng. Nhiều người mua vàng với số lượng lớn - vài chục lượng - phải qua NH đóng tiền rồi được hẹn thời gian giao vàng. Nhiều người còn chốt giá tại quầy giao dịch khi thấy giá “nhảy múa” liên tục. Từ người dân mua vàng tiết kiệm, nhà đầu tư “lướt sóng” đến cả tiệm vàng cũng cử nhân viên tới SJC mua vàng khi nghe thông tin “SJC bán vàng bình ổn giá”. Thực tế, giá vàng của SJC thấp hơn một số tiệm vàng bên ngoài khoảng 100.000 đồng – 200.000 đồng/lượng. Nhưng nếu so với các công ty khác như Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty Vàng NH Sài Gòn Thương Tín (SBJ), Công ty Đầu tư Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB)… thì giá mua bán khá sát nhau hoặc chênh lệch chỉ vài ngàn đồng/lượng. T.Phương |
CPI tháng 8 tăng 0,93 % Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tiếp tục tăng 0,93% so với tháng trước. Đây là tháng đầu tiên trong năm, CPI tăng dưới 1%. Như vậy, tính chung 8 tháng đầu năm, CPI đã tăng tổng cộng 15,68%, nếu so với tháng 8 năm ngoái, CPI đã tăng 23,02%. Tốc độ tăng giá ở TPHCM, Đà Nẵng đã chậm lại, với mức tăng 0,68% và 0,92%; trong khi Hà Nội vẫn tăng khá cao 1,06%. Nhóm dịch vụ ăn uống trong tháng 8 chỉ tăng 1,35%. Trong đó, lương thực tăng 0,46%, thực phẩm tăng 1,55% và ăn uống ngoài gia đình tăng 1,59%. Bưu chính viễn thông là nhóm duy nhất giảm giá với mức giảm 0,06%. Đặc biệt, chỉ số giá vàng trong tháng 8 đã tăng 8,7% so với tháng trước và tăng tổng cộng 15,335% từ đầu năm đến nay. Chỉ số giá USD chỉ tăng nhẹ, tương ứng là 0,32% và 0,26%. T.Hà |
Bình luận (0)