. Phóng viên: Thưa ông, trong số các cửa hàng xăng dầu bán nhỏ giọt hoặc đóng cửa, có cửa hàng nào thuộc Petrolimex không?
- Ông Vương Thái Dũng: Tôi khẳng định tất cả cửa hàng thuộc sở hữu của Petrolimex vẫn hoạt động bình thường. Một số cửa hàng khác đóng cửa không phải thuộc sở hữu hoàn toàn của Petrolimex, chỉ sở hữu một phần thì chúng tôi không can thiệp được.
. Có phải đây là hiện tượng đầu cơ chờ giá lên không, thưa ông?
- Đó chỉ là một lý do. Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân khác. Với vai trò chịu trách nhiệm bình ổn thì Petrolimex phải bảo đảm cung ứng đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Còn đối với hoạt động kinh doanh, không có lợi nhuận thì người ta không bán hàng. Tình trạng này đã xảy ra rồi. Cơ quan chức năng cần phải làm rõ tại sao cửa hàng đóng cửa và có biện pháp xử lý.
. Ngay trước Tết Tân Mão đã xảy ra tình trạng nhiều cây xăng đóng cửa chờ tăng giá hoặc do nguồn cung không kịp thời. So với thời điểm đó, tình hình cung cấp xăng dầu hiện nay có căng thẳng hơn không, thưa ông?
- Căng thẳng hơn nhiều. Vì thứ nhất là không bảo đảm ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu. Hai là giá bán hiện nay lỗ rất nhiều. Ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu hiện rất “đau đầu”.
Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo ngân hàng cung ứng đủ ngoại tệ, bản thân ngân hàng cũng rất tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng quan trọng là nguồn ngoại tệ không đủ. Mỗi năm, Petrolimex cần khoảng 6 tỉ USD để nhập khẩu.
Vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỉ giá rất mạnh, hy vọng nguồn cung USD có thể dồi dào hơn nhưng thực tế mấy ngày qua, tình hình chưa cải thiện được gì.
Ngày 17-2, đại lý bán lẻ xăng dầu An Lộc (phường 17, quận Gò Vấp - TPHCM) “tạm nghỉ” bán. Ảnh: LONG GIANG
. Việc căng thẳng ngoại tệ nhập khẩu đang ảnh hưởng đến nguồn cung ứng xăng dầu thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi rất cố gắng đàm phán để bảo đảm nguồn nhập khẩu nhưng cũng chỉ đến giới hạn nhất định thôi, không thể cố mãi được, vay thì phải trả mà hạn trả nợ đã đến rồi. Bản thân doanh nghiệp đã “gồng” hết sức nhưng không biết khả năng chịu đựng được thêm bao lâu.
. Như vậy, vấn đề hiện nay là cần phải có ngoại tệ để giữ nguồn cung và tăng giá bán, theo ông, giá xăng dầu tăng bao nhiều là hợp lý?
- Nhiệm vụ đầu tiên là phải bảo đảm nguồn cung. Muốn bảo đảm nguồn cung phải có ngoại tệ, còn lỗ lãi là chuyện tính sau. Đất nước không thể thiếu xăng dầu. Mấy ngày nay, Chính phủ đã có nhiều cuộc họp bàn về vấn đề này.
Hiện nay, hai vấn đề phụ thuộc vào Nhà nước là có bảo đảm ngoại tệ hay không và có điều chỉnh giá bán hay không. Doanh nghiệp đang có quá nhiều gánh nặng như không có ngoại tệ, lỗ nặng.
Tôi không bình luận về mức tăng giá bán xăng dầu bao nhiêu là hợp lý nhưng trước khi điều chỉnh tỉ giá thì giá cơ sở và giá bán chênh nhau hơn 2.000 đồng/lít, sau khi điều chỉnh tỉ giá chênh thêm hơn 1.000 đồng/lít.
Cửa hàng xăng dầu Minh Thúy ở xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang đóng cửa vào ngày 17-2 Ảnh: QUỐC DŨNG
. Giả sử xảy ra tình trạng đứt nguồn cung hoặc giá xăng dầu tăng vọt thì trách nhiệm của ai, thưa ông?
- Tất cả vấn đề này không phải bây giờ mới “ló” ra mà đã được nhận diện từ năm ngoái. Lúc đó, Petrolimex đã đều đặn có nhiều báo cáo gửi các cơ quan có liên quan. Chúng tôi nêu khó khăn, dự báo tình hình và cũng đã đề ra các phương án có thể xử lý.
Nếu bây giờ mới nói thì quá muộn chứ không phải muộn nữa. Doanh nghiệp đã làm hết khả năng. Chúng tôi hiện có rất nhiều VNĐ gửi ngân hàng nhưng không mua được ngoại tệ. Không có ngoại tệ, giả sử lúc nào đó, không nhập khẩu
được xăng dầu thì phải chịu thôi.
Ông Võ Văn Quyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường:
Rút giấy phép các trường hợp găm hàng
Ngày 17-2, Bộ Công Thương có công điện khẩn yêu cầu lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các cây xăng đóng cửa hoặc bán nhỏ giọt.
Đối với các trường hợp còn hàng nhưng không bán phải lập biên bản và rút giấy phép hoạt động.
Trường hợp không có hàng bán phải truy ngược lên hệ thống xem tắc ở khâu nào để tháo gỡ kịp thời.
Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, mới nhất là hiện tượng dừng bán vì tạm thời đứt nguồn hàng diễn ra ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam nhưng không mang tính phổ biến.
Đã có hiện tượng người dân mang vài can xăng đến bán với giá cao ngay tại cây xăng trong lúc đứt nguồn cung.
Hiện tượng buôn lậu đang nóng trở lại tại các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, hiện tại, tình hình chưa đến mức nguy hiểm nhưng tiếp tục kéo dài sẽ rất khó cho cơ quan kiểm tra kiểm soát vì đường biên lớn, giá xăng chênh lệch trong nước với nước ngoài từ 4.000 đồng đến 6.000 đồng/lít.
Trong thị trường nội địa, nguy cơ đứt nguồn hàng do các cửa hàng cắt giảm thời gian bán cũng rất cao. |
Bình luận (0)