Nguồn cung giảm, giá thịt heo tại Hà Nội tăng rất nhanh trong thời gian qua
Phụ thuộc dịch bệnh!
Sau khi đi khảo sát ở một số tỉnh phía Bắc theo chỉ đạo của bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Cục Chăn nuôi đã phải thừa nhận: Có thiếu hụt nguồn cung thịt heo ở nhiều nơi, đặc biệt là trong tháng 6-2011. Theo Cục Chăn nuôi, tính đến thời điểm 1-4, tổng đàn heo cả nước là 26,3 triệu con, giảm 3,7% so với năm 2010. nếu tính đến ngày 30-6, tổng đàn heo ước đạt 26,5 triệu con.
Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết dịch bệnh làm heo nái giảm 8,6%, dẫn đến thiếu hụt heo giống. Đáng ngại là số heo nái còn lại có tỉ lệ sinh sản kém hơn. Nguyên nhân thiếu hụt thịt heo được Cục Chăn nuôi lý giải là do ảnh hưởng của dịch bệnh, chăn nuôi giữa các vùng không đồng đều nhưng không nhìn nhận là do sản lượng heo giảm!
sự thiếu hụt đã dẫn đến sự tăng giá và chênh lệch giá thịt heo khá lớn ở một số vùng, nhất là giữa miền Bắc và miền Nam. Theo Cục Chăn nuôi, trong một năm qua, giá thịt heo tăng trên 60%, có nơi như Hà Nội tới 100%. Cục Chăn nuôi cũng bác bỏ việc tăng giá là do các cơ sở chăn nuôi lớn thao túng thị trường. Theo phó trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn, cơ sở chăn nuôi quy mô nhất hiện nay là Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP cũng chỉ chiếm 3% tổng sản lượng heo. Ông Sơn cho rằng với tốc độ tái đàn như hiện nay (5%), dự báo đến cuối tháng 8-2011 sẽ thiết lập một mặt bằng giá thịt heo mới và giảm so với hiện nay từ 10% - 15%. Hiện giá thịt heo ở nhiều nơi cũng đang rục rịch giảm. Tuy nhiên, ông Sơn thừa nhận việc nguồn cung có ổn định hơn hay việc giảm giá còn phụ thuộc vào việc dịch bệnh không tái phát.
Bấp bênh như… đánh bạc
Tại cuộc họp, hàng loạt khó khăn của ngành chăn nuôi đã được đặt ra như dịch bệnh triền miên, thiếu vốn, lãi suất ngân hàng quá cao (25%/năm), chi phí đầu vào tăng (nhân công, thức ăn chăn nuôi). Ông Lưu Công Hòa, Giám đốc Trung tâm Giống chăn nuôi Nghệ An, nhìn nhận: “Chăn nuôi heo hiện nay chẳng khác gì đánh bạc, mặc dù được giá nhưng quá nhiều rủi ro”.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa Lê Văn Hiển cho biết: Giá heo nái ngoại lên tới 2,2 triệu đồng/con, còn heo thịt trên 1 triệu đồng/con nên giá thịt heo hơi không tăng mới là chuyện lạ! Việc tái đàn heo sau đợt dịch bệnh kéo dài vừa qua theo ông Hiển cũng không hề đơn giản vì vay vốn ngân hàng dành cho chăn nuôi là cực kỳ khó khăn. Ông Hiển cho hay hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đủ điều kiện vay vốn, trang trại lớn thì rất khó vay vì trang trại thường là đất thuê không có sổ đỏ nên ngân hàng thường bất hợp tác.
Ông Lê Văn Mẽ, Giám đốc Công ty Thức ăn chăn nuôi Phú Sơn (Đồng Nai), nhìn nhận để phát triển chăn nuôi theo ý của Cục Chăn nuôi là rất khó. Ông Mẽ tố khổ: “Lời hàng chục tỉ đồng/năm như chúng tôi vẫn không thể phát triển chăn nuôi bởi phải “nộp” hết lời cho ngân hàng”. Ông Chung Kim, Giám đốc Công ty Thức ăn chăn nuôi Kim Long (Bình Dương), góp ý: Nên thành lập quỹ bình ổn chăn nuôi và hình thành hiệp hội tư vấn kiểm soát dịch bệnh để “gánh vác” cùng người chăn nuôi. Lo về bữa cơm của đại bộ phận hơn 80 triệu dân, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, đề nghị cần có nghị quyết Chính phủ về chăn nuôi và có chính sách cụ thể thay vì hô hào, động viên chung chung.
Cung cấp tín dụng cho người nuôi heo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Cao Đức Phát, nhìn nhận với lãi suất tới 25%/năm thì không ai dám vay vốn để nuôi heo cả. Ngay trong tuần này, Bộ NN-PTNT sẽ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách cung cấp tín dụng cho người chăn nuôi. Bộ NN-PTNT sẽ báo cáo Chính phủ về tình hình này. Trước mắt, phải bảo đảm lưu thông, điều hòa thị trường trong nước, một số biện pháp về kiểm dịch cần được nới lỏng. |
Bình luận (0)