Vì khi bán lẻ hoặc chế biến thì số thịt này phần lớn được tiêu thụ dưới “mác” thịt bò tươi, móc túi và bào mòn sức khỏe người tiêu dùng do trong quá trình “phù phép”, người kinh doanh đã ngâm tẩm hóa chất để tránh bị phát hiện.
Theo Chi cục Thú y TP HCM, từ đầu năm đến nay, đã có 4 vụ “thịt bò giả” bị đơn vị này phối hợp liên ngành phát hiện. Mới nhất là vụ bắt quả tang cửa hàng chuyên doanh thịt bò tươi sống do ông Nguyễn Văn Suốt làm chủ ở 24 Bùi Hữu Nghĩa (khu vực chợ Hòa Bình, quận 5) vào sáng 15-4. Đây là cửa hàng có đăng ký kinh doanh, đã được kiểm tra và được cấp giấy đủ điều kiện vệ sinh thú y và điều kiện an toàn thực phẩm với công suất 50 kg/ngày. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở không có thịt bò tươi vì chưa nhập hàng mới nhưng theo sổ lưu thì ngày trước đó, cơ sở đã lấy về và bán hết 150 kg thịt bò tươi có giấy chứng nhận kiểm dịch. Như vậy, về nguyên tắc, cửa hàng sẽ không có hàng tồn nhưng thực tế đoàn kiểm tra lại ghi nhận rất nhiều thịt trâu đông lạnh nhập khẩu. Chủ cửa hàng khai mua về rã đông để bán lẻ, số lượng lên đến hơn 1 tấn bao gồm thịt và các phụ phẩm như: gân, lòng, xương, vụn…
Do sản lượng kinh doanh vượt quá công suất ban đầu nên cửa hàng không còn bảo đảm điều kiện về bảo quản, vệ sinh thú y. Đặc biệt, tại đây còn phát hiện 4,5 kg hàn the, là chất cấm dùng trong thực phẩm, mà theo chủ cơ sở là dùng để thoa hoặc ngâm cho xương trâu bò khỏi đổ nhớt. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng hàn the còn được tẩm ướp vào các loại thịt để giữ được độ “tươi” khi để dưới nhiệt độ thường. Do đó, đoàn kiểm tra đã tạm giữ lô hàng và lấy mẫu xét nghiệm về vi sinh, chất cấm để có hướng xử lý tiếp theo.
Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng Phòng Thanh tra Chi cục Thú y TP HCM, cho biết trong 4 vụ việc trên thì có 2 vụ cơ sở vi phạm có giấy phép kinh doanh hẳn hoi. Ngoài số thịt bò thật hợp pháp các cơ sở còn “độn” thịt trâu vào để kiếm lời, còn lại tổ chức chứa trữ chui tại các huyện vùng ven sau đó bỏ mối ở các chợ lẻ, quán ăn. “Tình hình đang ở mức báo động do nguồn trâu đông lạnh nhập khẩu về có giá rất rẻ, chỉ bằng 1/2 thịt bò tươi. Người tiêu dùng mua phải bị lừa 3 lần, gồm: giá bị hớ do trâu đông lạnh bán giá bò tươi, trọng lượng thiếu do quá trình rã đông khiến thịt nặng hơn, chất lượng kém vì dễ bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh trong quá trình ngâm tẩm và hóa chất bảo quản đã từng được phát hiện trong các vụ trước đó” - ông Nguyên chia sẻ.
Theo dân trong nghề, dù cơ quan chức năng có kiểm soát thì tình hình kinh doanh thịt đông lạnh kém phẩm chất dưới dạng thịt tươi sẽ vẫn tiếp diễn vì lợi nhuận lớn. Hơn nữa, từ ngày 1-7 tới, khi Luật Thú y có hiệu lực, sẽ bãi bỏ việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho sản phẩm động vật lưu hành nội tỉnh. Khi đó, thịt đông lạnh sau khi nhập về kho sẽ được kinh doanh tự do, các chủ hàng sẽ dễ dàng thay đổi bao bì, nhất là hàng hết hạn sử dụng vì không còn bị kiểm soát như hiện nay.
Bình luận (0)