Những ngày cuối năm, nhu cầu rút tiền mặt trên hệ thống máy ATM của các ngân hàng (NH) thương mại tăng cao. Dù tình trạng nghẽn ATM không “nóng” như các năm trước nhưng ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động đến ngày 21-1 (tức 24 tháng Chạp), vẫn có những trường hợp khách hàng gặp sự cố hết tiền, máy ATM bị lỗi giao dịch.
Chưa hết trục trặc, bất tiện
Chị Phương Chi (làm việc tại quận 1, TP HCM) cho biết sáng 24 tháng Chạp phải đến NH để khiếu nại về việc rút tiền không được nhưng tài khoản vẫn bị trừ. Hai ngày trước, chị ghé cây ATM của một NH cổ phần trên đường Nguyễn Công Trứ, quận 1 rút 3 triệu đồng. Máy ATM báo giao dịch không thành công vì hệ thống trục trặc nhưng tài khoản của chị vẫn bị trừ 3 triệu đồng. “Tôi phải tới tận NH để khiếu nại mà chưa biết khi nào mới được trả lại tiền, nhất là khi chỉ còn vài ngày nữa đến Tết” - chị Phương Chi than.
Thói quen dùng tiền mặt trong mua sắm của người dân và nơi bán hàng khiến các ngân hàng thường quá tải vào những dịp lễ, Tết Ảnh: Tấn Thạnh
Một số chủ thẻ khác cho biết phải đi nhiều cây ATM mới rút được tiền. Theo một bảo vệ chi nhánh một NH cổ phần trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), mấy ngày qua, lượng người rút tiền ở máy ATM tăng mạnh nên NH thường xuyên phải tiếp quỹ và một số thời điểm máy hết tiền do chưa tiếp quỹ kịp.
Đại diện NH TMCP Á Châu (ACB) cho biết cận Tết nguyên đán, người lao động được nhận lương và thưởng nên hầu như ai cũng muốn nhanh chóng rút tiền mặt để chi tiêu, mua sắm Tết. Do đó, dù các NH đã chủ động xây dựng giải pháp ứng phó nhưng với số lượng người rút tiền cùng thời điểm tăng đột biến, gấp 2-3 lần so với bình thường, nên khả năng nghẽn mạng, hết tiền tạm thời tại ATM lân cận các KCN, khu vực tập trung đông người lao động là khó tránh khỏi.
Và để hạn chế tình trạng nghẽn ATM dịp Tết, các NH đều khuyến khích khách hàng dùng các kênh thanh toán không tiền mặt như Mobile Banking, Internet Banking, thanh toán hàng hóa dịch vụ trực tiếp qua POS… nhưng không phải lúc nào các kênh này cũng thuận lợi. Chị Nguyễn Thị Lụa (ngụ huyện Nhà Bè, TP HCM) vừa phải ra chi nhánh NH để chuyển tiền cho bạn do NH nơi chị phát hành thẻ không cung cấp dịch vụ chuyển khoản khác hệ thống trên Internet Banking.
“Tôi hay dùng dịch vụ Internet Banking để chuyển tiền cho bạn bè hoặc thanh toán hóa đơn, mua vé máy bay nhưng riêng chuyển khoản khác hệ thống thì NH phát hành thẻ cho tôi lại chưa cung cấp nên cũng hơi bất tiện” - chị Lụa nói.
Phải bảo mật và tiện lợi
Dịch vụ chưa đủ tiện ích cộng thêm những vụ khách hàng mất tiền trong tài khoản gần đây khiến người dùng lo lắng về độ an toàn, bảo mật khi thanh toán qua thẻ hoặc trực tuyến. Ngoài ra, có những điểm bán hàng hóa, dịch vụ chỉ nhận tiền mặt cũng vô tình cản trở thanh toán không dùng tiền mặt.
“Mới đây, tôi và gia đình vào một tiệm bán mũ bảo hiểm có thương hiệu mua sắm. Hóa đơn vài triệu đồng nhưng khi tôi muốn cà thẻ thì cửa hàng nói chưa lắp đặt máy POS” - lãnh đạo một NH cổ phần tại TP HCM dẫn chứng. Theo vị này, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cần sự tham gia của cả khách hàng, NH và điểm cung ứng dịch vụ thanh toán.
Theo đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến cuối năm 2020, tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại phải có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người dùng cà thẻ khi mua hàng; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của khách hàng qua các hình thức thanh toán không tiền mặt.
Các chuyên gia NH nhận định hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam đã có nhiều cải thiện so với trước nhưng để đẩy mạnh xu hướng này cần cả chính sách ưu đãi, khuyến khích của cơ quan quản lý để các điểm cung ứng dịch vụ sẵn sàng lắp đặt POS và sử dụng thường xuyên; đồng thời, dịch vụ phải thật sự tiện lợi, an toàn để khách hàng cảm thấy cà thẻ, thanh toán trực tuyến đem lại lợi ích nhiều hơn trả tiền mặt.
Đại diện NH Nhà nước cho biết thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã đạt được những kết quả tích cực khi nhận thức và thói quen của người dân, doanh nghiệp có sự cải thiện. Đến cuối tháng 10-2016, tỉ lệ tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán khoảng 11,5%, giảm khá mạnh so với trước; cả nước hiện có hơn 100 triệu thẻ NH các loại; trong đó chủ yếu là thẻ ATM, số lượng giao dịch qua ATM, POS cũng tăng mạnh qua các năm.
Cũng theo cơ quan này, từ nay đến năm 2020, toàn bộ thị trường thẻ NH sẽ hoàn thành chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nhằm tăng tính bảo mật, an toàn cho người dùng và hệ thống NH. Ngay cả NH Nhà nước cũng đang nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên NH để đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng tăng trong nền kinh tế.
Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc truyền thông Big C Việt Nam:
Khách thanh toán bằng thẻ tăng 15%-20%/năm
Tỉ lệ khách hàng chọn thanh toán bằng thẻ tại các siêu thị thuộc hệ thống Big C ngày càng tăng trong những năm gần đây với mức tăng khoảng 15%-20%/năm. Chiếm đa số là khách hàng tại các thành phố lớn, ở độ tuổi từ 25-45 và giá trị thanh toán trung bình từ 700.000 đồng/lần trở lên. Tổng giá trị thanh toán bằng thẻ NH chiếm hơn 10% tổng số giao dịch hằng ngày tại siêu thị.
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, với sự hợp tác của các NH thương mại, Big C thường xuyên tổ chức các chương trình tích điểm thanh toán, tặng phiếu mua hàng, tặng phiếu giảm giá nhằm khuyến khích khách hàng thanh toán bằng thẻ hoặc mở thẻ mới. Trong đó, hình thức tặng phiếu mua hàng, phiếu giảm giá thường được khách hàng ưa chuộng.
Liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, khách hàng khi thanh toán qua máy cà thẻ ở siêu thị, thông tin sau đó sẽ được chuyển về NH để xử lý. Siêu thị không lưu giữ bất kỳ thông tin cá nhân nào của khách hàng thanh toán nên khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm.
Bà Nguyễn Tú Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS):
Tạo thêm nhiều tiện lợi cho khách hàng
Năm 2016, hệ thống chuyển mạch quốc gia NAPAS ghi nhận sự tăng trưởng mạnh với tổng giá trị giao dịch đạt 320.000 tỉ đồng, tăng trưởng 50% so với năm trước. Trong đó, tỉ trọng giá trị giao dịch rút tiền mặt qua hệ thống giảm 12,5% so với năm trước nhưng tốc độ tăng trưởng về giá trị giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ tăng 174%.
Đặc biệt, sau khi hợp nhất dịch vụ chuyển tiền điện tử với mạng lưới 39 NH triển khai trên tất cả kênh giao dịch ATM, Mobile Banking, Internet Banking, SMS Banking, doanh số dịch vụ chuyển tiền điện tử 24/7 qua hệ thống NAPAS đã đạt mức tăng trưởng gấp 3 lần so với năm 2015. Sự dịch chuyển tỉ trọng giao dịch tiền mặt sang giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ là tín hiệu lạc quan cho thị trường, khẳng định các giải pháp đồng bộ của NH Nhà nước, các NH thương mại và NAPAS đang từng bước phát huy hiệu quả. Sắp tới, chúng tôi sẽ rà soát, đánh giá lại tổng thể các mảng dịch vụ, có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ nhằm tạo thêm nhiều sự tiện lợi cho khách hàng khi tiếp cận và sử dụng các phương thức thanh toán điện tử, hướng tới giảm tỉ trọng các giao dịch rút tiền mặt trên toàn hệ thống.
Ông TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính NH:
Cần biện pháp khuyến khích và công cụ chế tài
Để khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt cần cung cấp dịch vụ tiện lợi, an toàn nhưng thực tế hiện nhiều cửa hàng lớn vẫn chưa lắp đặt thiết bị cà thẻ (POS). Thậm chí, một số điểm cung ứng dịch vụ cũng chưa có ý thức khuyến khích khách hàng dùng thẻ vì sợ tốn phí hoặc đẩy phí đó cho khách hàng. Một số cửa hàng điện tử, điện thoại… khi khách hàng cà thẻ sẽ không được tham gia chương trình khuyến mãi hoặc giảm giá, vô tình buộc khách hàng phải sử dụng tiền mặt, có khi còn bắt khách hàng trả 2%-2,5% phí cà thẻ (phí này điểm cung ứng dịch vụ phải trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán).
Một số NH thương mại cũng không mặn mà khi lắp đặt POS cho các nhà hàng, quán ăn, cửa hàng bán sản phẩm dịch vụ. Điều này dễ hiểu vì nơi nào doanh số cà thẻ cao thì các NH “tranh nhau” lắp đặt POS, trong khi có nơi lắp POS xong không dùng nên cả 6 tháng không phát sinh giao dịch… Do đó, bên cạnh các chính sách khuyến khích người dân thanh toán bằng thẻ trong thời gian đầu, cần có biện pháp chế tài đối với những đơn vị cung ứng dịch vụ thu phí cà thẻ sai cho khách hàng.T.Nhân - L.Anh ghi
Bình luận (0)