Co.opmart, một trong số ít siêu thị trong nước phát triển mạnh hệ thống trong vài năm trở lại đây
Ảnh: HỒNG THÚY
Áp lực cạnh tranh sẽ rất lớn
Theo các chuyên gia, từ năm 2015 trở đi, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ có sự thay đổi rất mạnh. Trước mắt, những nhà đầu tư ngoại đang có mặt tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh mạng lưới và tăng thị phần; có thể sự phát triển này nhằm tăng liên thông kênh mua bán toàn cầu của bản thân DN hoặc để tạo điều kiện tốt nhằm sang nhượng cho các tập đoàn bán lẻ khác…
Với khối DN nội địa, thị trường sẽ tiếp nhận thêm một số nhà bán lẻ mới gia nhập thị trường (CT Group vừa mở siêu thị S. Mart tại TPHCM, Ocean Group mở siêu thị Oceanmart tại Hà Nội...). Đồng thời, những thương hiệu quen thuộc lâu nay (đã được người tiêu dùng tin tưởng) sẽ tiếp tục tăng tốc để chạy đua với DN ngoại. Năm 2013, Saigon Co.op dự kiến mở thêm 8-9 siêu thị và một số cửa hàng Co.opFood; Maximark cũng sắp khai trương 1 siêu thị ở tỉnh…
Nhiều DN cho rằng vấn đề lớn nhất của DN bán lẻ nội hiện tại là vốn, bao gồm cả vốn tiền mặt, mặt bằng và nguồn nhân lực. Về vốn tiền mặt, tùy “sức khỏe” của từng DN mà có khả năng tiếp cận, vay vốn khác nhau nhưng về mặt bằng và nhân lực, DN rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho rằng: Đồng ý là mở cửa thị trường nhưng việc cạnh tranh phải được thực hiện một cách công bằng. Nhiều người đề cập cạnh tranh công bằng mà quên rằng làm sao có thể cạnh tranh công bằng khi DN bán lẻ Việt Nam quá nhỏ so với DN ngoại quá lớn mạnh. Chỉ xét ở lĩnh vực vốn tiền mặt và nguồn nhân lực, các tập đoàn bán lẻ ngoại có nguồn vốn dồi dào, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản và bề dày kinh nghiệm hàng trăm năm. Trong khi đó, các DN bán lẻ Việt Nam còn quá non trẻ và đến nay, vẫn chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp...
Cần ưu tiên cho bán lẻ nội địa
Ông Nguyễn Thành Nhân cũng đề xuất muốn cạnh tranh công bằng, Nhà nước phải tạo cơ chế cho DN nội mạnh lên. Nói cách khác, Nhà nước phải nhìn nhận rõ bán lẻ nội địa muốn phát triển mạnh thì sẽ dựa vào cái gốc là hàng nội địa, sản xuất nội địa, từ đó thúc đẩy sản xuất trong nước. Hiện tại, chỉ có nhà bán lẻ nội địa quyết tâm phát triển hàng nội mà chưa có sự ưu tiên hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Một chuyên gia về bán lẻ cũng cho biết việc cấp phép mở điểm bán hiện vẫn chưa tập trung ưu tiên cho DN nội, thậm chí nhiều trường hợp còn ưu tiên cho nhà đầu tư ngoại chiếm những vị trí mặt bằng đẹp. Theo cam kết gia nhập WTO, khi muốn mở điểm bán mới phải kiểm tra nhu cầu kinh tế xem có cần mở siêu thị/trung tâm thương mại ở đó không, nếu cần thì DN nội địa phải được ưu tiên trước; trường hợp DN nội không mở thì mới xem xét đến DN ngoại. Hầu hết các quốc gia khi tham gia WTO đều thực hiện như vậy. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng xem xét không cho nhà bán lẻ ngoại mở điểm bán tại các vị trí trung tâm hoặc nội thành. Còn tại Việt Nam, DN ngoại thoải mái mở điểm bán ngay tại trung tâm hoặc những vị trí mặt bằng đẹp, dân cư đông.
“Thái Lan đã trả giá đắt khi mở cửa mà không có chính sách hỗ trợ bán lẻ nội địa. Cả đất nước Thái Lan không còn thương hiệu bán lẻ nội địa tầm cỡ nào, thị trường bán lẻ nước này gần như hoàn toàn do các tập đoàn nước ngoài làm chủ” - chuyên gia này dẫn chứng.
Phải linh hoạt ứng phó Trước sức ép từ DN ngoại, nhiều DN trong nước đã linh hoạt trong chiến lược kinh doanh, mở rộng thêm nhiều hình thức phân phối để tăng hiệu quả nhận diện và thu hút khách hàng. Trước khi Starbucks vào Việt Nam, Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên đã có chiến dịch “bành trướng” bằng việc đổi mới, nâng tầm cũng như mạnh tay đầu tư mở rộng hệ thống chuỗi quán cà phê ở những vị trí đẹp. Hay hàng loạt cửa hàng tiện lợi của các DN trong nước (Vissan, Foocomart, Co.op Food, Hapro Food, Satra Foods…) đã mọc lên, đứng song song với cửa hàng tiện lợi nước ngoài. Nhiều nhà bán lẻ Việt cũng đã xác định chấp nhận có những giải pháp giảm lãi để kích thích sức mua, cải tổ bộ máy, quy trình để hoạt động hiệu quả hơn, phản ứng nhanh hơn với sự thay đổi của thị trường. |
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-2
Bình luận (0)