Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Thương, Tổng giám đốc Công ty Nagakawa, cho rằng quản lý cho vay bằng room tín dụng có thời điểm gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN), đặc biệt vào giai đoạn cuối năm. Ví dụ cuối năm 2022, một số ngân hàng dù không cắt giảm các giá trị khoản vay, nhưng tốc độ giải ngân chậm, mức độ giải ngân từng lần bị thu hẹp, trong khi thời điểm cuối năm DN cần nhiều vốn để có thể hoàn thành kế hoạch năm, đồng thời xác định cơ sở xây dựng kế hoạch cho kỳ tiếp theo. Việc thắt chặt tín dụng khiến DN bị động trước các kế hoạch kinh doanh và đầu tư tiếp theo, mong muốn chính sách cần ổn định, nhất quán, đặc biệt giai đoạn cuối năm.
Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội chiều 21-9
Theo nữ CEO, lãi suất đã giảm nhưng chưa đáp ứng nhu cầu DN, đề nghị tiếp tục giảm lãi suất, phí dịch vụ liên quan để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn. Cho rằng nhiều ngân hàng vẫn đang áp dụng các tiêu chí đánh giá DN như trong điều kiện bình thường, bà cũng đề nghị giảm tiêu chí đánh giá, xếp hạng DN cũng như các điều kiện ưu đãi lãi suất trong giai đoạn khó khăn này. Bà cũng cho rằng tỉ lệ tài sản đảm bảo rất cao, vô hình chung làm giảm hạn mức của các DN, khiến DN đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, đồng thời đề nghị có các biện pháp hỗ trợ DN nội địa trước các "ông lớn" nước ngoài vốn có tiềm lực tài chính rất vững mạnh…
Trước các kiến nghị của Tổng giám đốc Công ty Nagakawa, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã nêu thêm một số câu hỏi đối với nữ CEO: Chi phí lãi suất chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng chi phí đầu vào của doanh nghiệp?
Trả lời Thống đốc, bà Nguyễn Thị Thu Thương cho biết doanh thu của Công ty Nagakawa 2.000 tỉ đồng, chi phí vận hành 20%, trong đó chi phí tài chính chiếm 3-4%. Trong cơ cấu chi phí tài chính, chi phí lãi suất chiếm 68-70%.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lắng nghe và nêu câu hỏi, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo doanh nghiệp tại hội nghị.
Thống đốc tiếp tục nêu câu hỏi với DN sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, DN có chủ động theo dõi để chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, nếu cứ đầu tư trong khi lạm phát trên thế giới cao, DN có lường đến khi cơ quan quản lý phải kiểm soát lạm phát DN sẽ rơi vào khó khăn?
Bà Nguyễn Thị Thu Thương chia sẻ DN theo dõi sát thị trường để xây dựng kế hoạch kinh doanh. Năm 2023, DN đã chủ động điều chỉnh kế hoạch doanh thu để bảo đảm không gặp rủi ro về vấn đề đầu tư dẫn đến tồn kho cao; đồng thời gia tăng các giải pháp: Đặt chỉ tiêu lợi nhuận thấp hơn các năm trước, tập trung vào việc giữ thị phần và phát triển thị phần, điều chỉnh một số chính sách để bảo đảm hàng hóa giữ được thị phần, lợi nhuận thấp xuống để kích cầu…
Cũng tại hội nghị, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội đề nghị các ngân hàng xem xét cắt giảm thủ tục hành chính để các DN tiếp cận vốn với thời gian ngắn hơn.
Theo ông việc tiếp cận vay vốn với các DN nhỏ và vừa rất khó, thủ tục rườm rà và thời gian xem xét phê duyệt khoản vay khá dài. Việc kiểm soát rủi ro càng được đề cao thì thời gian xem xét phê duyệt khoản vay càng dài.
"Với một khoản vay vốn ngắn hạn thông thường, thời gian xem xét phê duyệt từ 1 - 3 tháng, khoản vay trung và dài hạn trung bình duyệt trong vòng 3 tháng, thậm chí có những khoản vay lên đến 6 tháng"- ông Sơn nêu thực trạng và đề xuất giải pháp áp dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 vào quy trình phê duyệt, gắn KPI bao gồm thời gian phê duyệt của từng bộ phận chuyên môn để rút ngắn thời gian, đạt mục tiêu trong vòng 1 tháng với tất cả các khoản vay.
Đồng thời, trong điều kiện doanh nghiệp gồng mình trước những khó khăn sau đại dịch, ông cũng đề xuất ngân hàng không hạ mức chuẩn khi đánh giá tài chính DN song có thể điều chỉnh linh động trong đánh giá chỉ tiêu tài chính ở thời điểm khó khăn này nhằm tiếp tục luân chuyển nguồn vốn cho DN hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Ông cũng đề xuất giảm lãi suất trực tiếp từ 1-2% từ nguồn lợi của ngân hàng, áp dụng với các khoản vay cả cũ và mới phát sinh (như Vietcombank và BIDV đã làm); đề xuất cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, giữ nguyên tài sản đảm bảo (nếu có). Nêu tình trạng DN vay trung và dài hạn bị phạt trả nợ trước hạn từ 1-5%, ông đề xuất miễn phí trả nợ trước hạn hoặc quy định chỉ 1%.
Bà Trịnh Thị Ngân, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội, đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục cải cách hành chính, rút ngắn thời gian, thủ tục hồ sơ tín dụng để DN tiếp cận vốn nhanh hơn. Đồng thời, Chính phủ cần nâng cao vai trò của Quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa, cần cho phép bảo lãnh tín chấp. Đồng thời xem xét giảm phí để góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN.
Đại diện các DN đã nêu những khó khăn và đề xuất sự hỗ trợ từ phía ngành ngân hàng như: Lãi suất đã giảm nhưng đề nghị giữ ổn định lãi suất. Đồng thời, DN phản ánh khi lãi suất giảm thì tỉ giá lại tăng, mong muốn NHNN có biện pháp ổn định tỉ giá...
DN đề nghị tiếp tục giảm lãi suất, ngân hàng nói gì?
Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Phụ trách Ban điều hành VietinBank, cho biết giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% trên địa bàn Hà Nội đã đạt hơn 1.000 tỉ đồng; triển khai gói 30.000 tỉ đồng cho vay xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở khu công nhân; cho vay các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, với tổng dư nợ trên địa bàn TP Hà Nội đạt khoảng 42 ngàn tỉ đồng; lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh giảm từ 2-3%; tiếp tục ưu đãi phí, giảm phí cho khách hàng….
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết những tháng cuối năm 2023, Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất, giảm dần mặt bằng lãi suất huy động từ đó có cơ sở để giảm lãi suất cho vay; tiết giảm chi phí… "Vietcombank cam kết từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục lộ trình giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng"- ông Nguyễn Thanh Tùng cam kết và cho biết: "Toàn bộ khách hàng có dư nợ hiện hữu đều được giảm lãi suất. Theo tính toán sẽ có hơn 200 ngàn khách hàng được giảm lãi suất, với tổng dư nợ bình quân là khoảng 700 ngàn tỉ đồng. Với quyết định này, Vietcombank sẽ giảm khoảng 1.800 tỉ đồng lợi nhuận trong năm 2023".
Ông Phan Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Techcombank, chia sẻ thời gian qua, Techcombank đã có 4 đợt giảm lãi suất cho vay. Tính đến cuối tháng 8-2023, tổng dư nợ hỗ trợ lãi suất trong năm 2023 là gần 12 ngàn tỉ đồng, với số tiền hỗ trợ lãi suất là hơn 60 ngàn tỉ đồng. Trong hoạt động cấp tín dụng, Techcombank cũng liên tục áp dụng công nghệ mới và thay đổi chính sách tín dụng để bảo đảm được thời gian cũng như năng lực đáp ứng vốn kịp thời cho khách hàng…
Ông Đinh Tiến Đông, Giám đốc Agribank Chi nhánh Hà Nội, cho biết, Agribank đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, bao gồm: Xây dựng lại các cơ chế nội bộ, cắt giảm thời gian thủ tục để các DN dễ dàng tiếp cận vốn; giảm lãi suất cho vay…
Đến ngày 31-8, Agribank chi nhánh Hà Nội đã 5 lần giảm lãi suất cho vay, với mức giảm từ 1,3 - 2,5% đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, 2 - 3% đối với lĩnh vực tiêu dùng, 3 - 4% đối với lĩnh vực bất động sản; thực hiện 7 chương trình ưu đãi tín dụng, lãi suất thấp hơn từ 2 - 3 % so với lãi suất cho vay thông thường…
Kết luận hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu đẩy mạnh triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của các DN. Các ngân hàng rà soát, thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tiếp cận vốn cho DN, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tham mưu để có thể điều chỉnh tháo gỡ khó khăn của DN, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống.
Cùng với đó, chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng.
Trong đó, các DN cần chủ động phối cung cấp đầy đủ, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động.
Các DN nhỏ và vừa cần nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính… để các tổ chức tín có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay. Cùng với đó, DN cũng cần tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu…)
Bình luận (0)