Ưu đãi ngầm, nảy sinh tiêu cực
Theo ông Đỗ Ngọc Huỳnh, thành viên nhóm tư vấn chính sách - Bộ Tài chính, quy mô NSNN (tính cả dầu thô) hiện nay đạt trên 25% GDP. Cơ cấu thu, chi ngân sách vẫn chưa ổn định, không có sự bền vững và còn nhiều điểm chưa hợp lý. Tốc độ tăng chi luôn có xu hướng lớn hơn tốc độ tăng thu. Tình trạng chi vượt dự toán đã diễn ra trong nhiều năm liền.
Năm 2006, hàng loạt các khoản chi vượt dự toán như: chi cho trợ giá các mặt hàng chính sách tăng 71,7%; chi cho sự nghiệp kinh tế tăng 15,2%; chi cho thể dục thể thao tăng 8,0%; quản lý hành chính đoàn thể tăng 7,7%...
Ông Kojo Odruo, chuyên gia tư vấn tài chính công, Chính phủ Anh, cho rằng nếu không có những điều chỉnh, đổi mới kịp thời thì VN sẽ có nguy cơ mắc phải căn bệnh mang tên “Bệnh Hà Lan”.
Đó là sự phụ thuộc quá nặng nề của NSNN vào kinh tế đối ngoại, dầu thô, bán khoáng sản, nhượng quyền sử dụng đất... Thống kê cho thấy, nếu không tính dầu thô thì mức thu NSNN chỉ đạt khoảng 17%-18%.
Đó là chưa kể cơ cấu thu NSNN vẫn còn bao gồm nguồn thu từ bán khoáng sản; nhượng quyền sử dụng đất và thu nhập từ chứng khoán. Nếu bóc tách tất cả những phần thu này ra thì sẽ còn rất xa mới đạt tỉ lệ 25% GDP.
“Chỉ tính riêng trong lĩnh vực thu thuế đã có nhiều vấn đề chưa hợp lý. Hạn chế lớn hiện nay là Nhà nước đã đưa quá nhiều chính sách xã hội vào lĩnh vực thuế. Đối tượng, địa phương miễn thuế quá nhiều. Sự không tách bạch trong các chính sách trợ cấp xã hội và chính sách thuế đã dẫn đến tình trạng nhiều địa phương, cá nhân lợi dụng điều này để ưu đãi ngầm, không minh bạch và nảy sinh nhiều tiêu cực” - ông Huỳnh nói.
Ngược với thông lệ quốc tế
Cũng theo ông Huỳnh, nguyên nhân của tình trạng thu chi ngân sách không cân đối, vượt dự toán là do cơ chế và cách thức đề ra chiến lược thu, chi chưa hợp lý. Thông thường, người ta phải xác định được NSNN sẽ thu được bao nhiêu rồi mới lấy đó làm cơ sở cho việc chi. Nhưng chúng ta lại làm ngược lại. Nhà nước cứ cố gắng chi thật nhiều rồi sau đó mới ngồi lại để tính toán và đề ra mục tiêu phải thu về bao nhiêu.
Bà Vũ Thị Mai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho rằng nếu tính theo quốc tế (bao gồm cả quỹ Nhà nước ngoài ngân sách) thì quy mô chi ngân sách hiện tại của VN lên đến 33%. Đây là xu hướng ngược với Trung Quốc và các nước đang phát triển trên thế giới.
Hầu hết các nước trên thế giới thường áp dụng mức độ động viên thấp và quy mô chi NSNN ở mức độ tối thiểu để tạo đà cho sự tăng trưởng. Quy mô chi NSNN ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản... còn thấp hơn VN. Họ chỉ giữ ở mức trên dưới 30%, là mức tối thiểu so với trình độ phát triển.
Mục đích chi NSNN ở các nước trên thế giới phần lớn cho bộ máy công quyền, các nhiệm vụ xã hội, chi cho đầu tư chiếm tỉ trọng rất nhỏ. Trong khi đó, tỉ trọng chi ngân sách cho đầu tư của VN lại rất lớn. Mặt khác, cơ cấu ngân sách của VN phụ thuộc vào các nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên. Trong khi các nước trên thế giới lại không coi đây là một nguồn thu ngân sách.
Bà Mai cho rằng xu hướng chung trên thế giới là tăng tỉ trọng thuế trực thu và giảm tỉ trọng thuế gián thu để bảo đảm động viên công bằng, hợp lý. Trong khi đó, tại VN, tỉ trọng thuế gián thu lũy thoái còn cao, tỉ trọng thuế trực thu còn thấp.
Bình luận (0)