Nhà nước và ngân hàng cần đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) trong mối cộng sinh ngày càng sâu sắc. Đặc biệt, cần tránh sốc cho các hoạt động kinh tế - xã hội khi thu hẹp dần các gói kích cầu theo lộ trình thích hợp. Trong bối cảnh nền kinh tế đang dần ấm lại, triển vọng thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới chưa thật vững chắc, việc cắt đột ngột các gói kích cầu của Nhà nước đồng nghĩa với việc tước đoạt cây gậy của các DN đang dùng để trợ lực vượt dốc. Nếu hỗ trợ kiểu “đẩy dốc nửa chừng buông tay” thì sẽ gây bất lợi cho nhiều phía: Làm mất uy tín Chính phủ, làm tăng nguy cơ mất khả năng thanh toán của các DN - con nợ, dẫn đến việc tăng nguy cơ vỡ nợ, phá sản dây chuyền của các ngân hàng - chủ nợ. Từ thực tế đó, có thể thấy, trước mắt, VN cần tiếp tục sử dụng gói kích cầu, điều quan trọng là thực hiện ra sao?
Cắt đột ngột các gói kích cầu sẽ gây khó khăn cho thị trường tài chính.
Trong ảnh: Giao dịch tại sàn chứng khoán Đông Dương (TPHCM). Ảnh: H. THÚY
“Kích” đúng chỗ “cầu”
Gói kích cầu tiếp theo với quy mô có thể nhỏ dần và điều kiện thắt chặt hơn, đặc biệt cần chú ý giảm thiểu các tác động trái chiều của nó, trong đó cần chú ý: Không kích cầu tùy tiện theo thành tích hoặc theo lợi ích ngắn hạn, mang tính cơ hội cao; thực hiện tốt hơn việc lựa chọn hợp lý và công khai các tiêu thức, cũng như thuận lợi hóa các thủ tục giải ngân cho các dự án thuộc danh mục được kích cầu; tập trung đầu tư cho các dự án sắp hoàn thành, đưa nhanh vào khai thác sử dụng các dự án có dung lượng và triển vọng thị trường tiêu thụ tốt, các dự án góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất và kinh doanh cần thiết của DN và nền kinh tế; ưu tiên vốn cho các dự án có tính thúc đẩy phát triển liên ngành cao, tạo thị trường tiêu thụ tiềm năng.
Ngoài ra, cần đặc biệt khuyến khích các dự án phát triển nhà ở xã hội, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, dự án phát triển công nghiệp chế biến nông sản và các ngành công nghiệp phụ trợ... Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại bằng nguồn vốn trong gói kích cầu nhằm khơi thông thị trường vốn và thị trường tiêu thụ nước ngoài mới cho các DN trong nước; thực hiện các cải cách hành chính cải thiện căn bản môi trường đầu tư, dỡ bỏ những hạn chế lạc hậu về hạn điền, thời hạn giao đất; tiếp tục giảm thuế, tăng các hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các DN vừa và nhỏ từ các quỹ hỗ trợ DN có một phần vốn Nhà nước; phát triển, hiện đại hóa, đa dạng hóa và tự do hóa cao hơn thị trường vốn; đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa và nới rộng hơn các tỉ lệ sở hữu tư nhân và nước ngoài trong các DN Nhà nước.
Giảm hỗ trợ trực tiếp
Đặc biệt, phải gia tăng dần tính thị trường và bình đẳng, tránh kéo dài quá lâu các hoạt động mang tính xin - cho, thiếu minh bạch và làm tăng sự bất bình đẳng thị trường và xã hội giữa các đối tượng hỗ trợ và quản lý trong khi triển khai “liệu pháp bàn tay Nhà nước”.
Về trung hạn và dài hạn, cần tăng cường sử dụng các công cụ chứng khoán hóa nợ thông qua Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng như các công ty mua bán nợ Nhà nước khác để thực hiện các trợ giúp từ gói kích cầu của Chính phủ. Nói cách khác, cần giảm dần việc hỗ trợ trực tiếp lãi suất cho các DN như hiện nay để chuyển sang mở rộng việc Chính phủ thông qua SCIC cũng như các công ty mua bán nợ khác tiến hành mua bán chứng khoán và đầu tư vào các công ty, lĩnh vực kinh doanh. Cách này làm cho sự hỗ trợ Nhà nước phù hợp hơn các nguyên tắc thị trường và thông lệ quốc tế, cũng như góp phần phát triển thị trường tài chính trong nước...
Ngăn ngừa triệt để sai phạm
|
Kỳ tới: Dồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Bình luận (0)