Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết ngày 20-3, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, cả cấp mới và bổ sung, đạt hơn 3,33 tỉ USD, giảm 49,6% so với cùng kỳ.
Không có dự án lớn
Mặc dù về xu hướng, tốc độ thu hút vốn FDI đã tăng mạnh trở lại trong tháng 3 với con số 1,79 tỉ USD, cao hơn kết quả của cả 2 tháng đầu năm nay cộng lại nhưng kết thúc quý I, tổng vốn thu hút được vẫn thấp do không có dự án lớn nào được cấp phép. Cụ thể, trong quý I cả nước có 252 dự án được cấp chứng nhận đầu tư mới với tổng vốn đăng ký là 2,046 tỉ USD, giảm 6% về số dự án và giảm 38,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013. Tương tự, mặc dù có 82 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 1,287 tỉ USD nhưng con số này vẫn giảm 39,3% về số dự án và giảm 60,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013.
Nếu như năm ngoái, trong quý I có 2 dự án khủng được cấp phép thì cùng kỳ năm nay không có dự án nào đạt quy mô 1 tỉ USD. Hai dự án khủng năm ngoái được cấp phép ngay từ đầu năm gồm dự án xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp điện tử ở Thái Nguyên của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam quy mô 2 tỉ USD và dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) điều chỉnh tăng vốn thêm 2,8 tỉ USD. Năm nay, Việt Nam đang trông chờ nhiều vào dự án khủng của tổ hợp lọc hóa dầu ở khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) của nhà đầu tư Thái Lan có vốn đăng ký khoảng 27 tỉ USD. Dự án này đang được Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) lập dự án khả thi trình Chính phủ và các bộ, ngành xem xét trong tháng 5.
Hàn Quốc dẫn đầu
Thu hút vốn FDI quý I đánh dấu sự tăng trưởng ấn tượng của các nhà đầu tư Hàn Quốc khi vượt qua Nhật Bản để đứng ở vị trí đầu bảng về số lượng dự án và vốn đăng ký trong tổng số 32 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tổng số vốn đầu tư mới và tăng thêm của nhà đầu tư Hàn Quốc trong quý I đạt 765,6 triệu USD, chiếm 22,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, lớn hơn khá nhiều so với nhà đầu tư của Nhật Bản là 414,3 triệu USD.
Theo Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội, hiện nhiều tên tuổi lớn đang có ý định rót thêm vốn vào Việt Nam như LG, Samsung, Kumho Asiana hay nhà bán lẻ Lotte vừa khai trương thêm một trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội. Các đối tác đầu tư lớn tiếp theo ở Việt Nam là Hồng Kông với 264,5 triệu USD, chiếm 12,9%; quần đảo Virgin thuộc Anh 238,7 triệu USD, chiếm 11,7%; Singapore 230,7 triệu USD, chiếm 11,3%... Xét theo ngành và lĩnh vực, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhiều nhất với số vốn đăng ký đạt 2,33 tỉ USD, chiếm 69,9% tổng vốn đăng ký. Vốn FDI vào bất động sản vẫn khá lớn khi đứng ở vị trí thứ hai với 288,3 triệu USD.
Khu vực FDI vẫn đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả và tiếp tục đóng góp lớn cho xuất nhập khẩu, tạo ra nhiều việc làm trên cả nước. Trong quý I/2014, xuất khẩu của khu vực này (kể cả dầu thô) ước đạt 22,47 tỉ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Nếu không kể dầu thô, con số này là 20,78 tỉ USD, tăng 18,9% và chiếm 62,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (33,35 tỉ USD) của cả nước. Trong khi đó, khu vực này nhập khẩu 18,55 tỉ USD. Tính cả dầu thô, khối doanh nghiệp FDI xuất siêu 3,92 tỉ USD và nếu không tính dầu thô, con số này là 2,23 tỉ USD.
Bình luận (0)