xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thu ngân sách bấp bênh

PHƯƠNG ANH

Nguyên nhân gây ảnh hưởng đến kế hoạch thu ngân sách năm nay chủ yếu là do “sức khỏe” doanh nghiệp không tốt

Kinh tế khó khăn, dự báo thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tiếp tục thêm 1 năm bấp bênh.

Nhiều đầu tàu kinh tế giảm thu

Theo Bộ Tài chính, tổng thu NSNN 4 tháng đầu năm đạt 244.100 tỉ đồng, bằng 29,9% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 164.290 tỉ đồng, bằng 30,1% dự toán, tăng 2,9% so với cùng kỳ nhưng vẫn là mức thấp so với dự toán và so với một số năm gần đây. Để hoàn thành kế hoạch, số thu NSNN bình quân 4 tháng phải đạt khoảng 33%-35% dự toán và khoảng 68.000 tỉ đồng/tháng.

img
Ngành dệt may xuất khẩu đem về nguồn ngoại tệ lớn nhưng thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2013 vẫn chưa đạt kế hoạch. 
Trong ảnh: Làm hàng thời trang xuất khẩu tại Công ty TNHH May Cường Tài, quận Gò Vấp - TPHCM _Ảnh: TẤN THẠNH

Ước tính có 4/19 khoản thu, sắc thuế thu đạt và vượt so với cùng kỳ năm trước nhưng chủ yếu là các khoản thu nhỏ như phí, lệ phí, thu bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước… Trong 5 khoản thu thấp hơn cùng kỳ, có những khoản thu quan trọng như thu từ khu vực doanh nghiệp (DN) Nhà nước chỉ bằng 89,1% so với cùng kỳ, thu tiền sử dụng đất chỉ bằng 76,4%. 43 tỉnh, thành có số thu nội địa đạt dưới 33% dự toán, trong đó có các đầu tàu kinh tế như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng.

Về chi ngân sách, 4 tháng ước đạt 303.400 tỉ đồng, bằng 31% dự toán, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm chi đầu tư phát triển đạt 32,6% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ; chi trả nợ và viện trợ đạt 32,6% dự toán, tăng 3,8% so với cùng kỳ…

Lo ảnh hưởng an sinh xã hội

Thu ngân sách bấp bênh thể hiện ở nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu vẫn chiếm tỉ trọng lớn, tỉ trọng thuế trực thu tăng chậm do hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế và của các DN còn thấp. Đặc biệt, nguồn thu từ khu vực DN vẫn giảm rất mạnh kể từ năm ngoái do nhiều DN phá sản, hoạt động cầm chừng, số DN không có thu nhập chịu thuế chiếm tỉ trọng khá cao. Tính chung 2 năm 2011-2012, có khoảng 100.000 DN phá sản, dừng hoạt động; 4 tháng đầu năm 2013, số DN đóng cửa, ngừng hoạt động  bằng với số DN thành lập mới là hơn 15.000 DN.

Về chi ngân sách, hạn chế lớn nhất là hiệu quả chi chưa cao, cả trong chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Công tác xã hội hóa tuy có nhiều chuyển biến tích cực song triển khai thực hiện còn chậm, kết quả đạt được còn hạn chế, dẫn đến gánh nặng chi NSNN. Đáng lưu ý là tình trạng chi tiêu kém hiệu quả, lãng phí chưa được khắc phục.

Trước năm 2010, thu ngân sách có “truyền thống” vượt dự toán hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng năm nay, ngay cả mức dự toán cũng có khả năng không đạt, buộc Chính phủ và Quốc hội phải “trông giỏ bỏ thóc”. Điều này khiến dư luận quan ngại đời sống có thể bị ảnh hưởng do cắt giảm chi. Trong thực tế, năm 2012, Chính phủ từng đề xuất hoãn tăng lương theo lộ trình vì hụt thu ngân sách.

Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh cho rằng đặc điểm nổi bật của chính sách tài khóa 2013 là khó khăn trong thực hiện dự toán thu NSNN do tác động của kinh tế trì trệ. Đến lượt mình, thu NSNN khó khăn có thể làm gia tăng quy mô thâm hụt NSNN, tăng nợ công, tạo nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô, đồng thời hạn chế khả năng tăng chi NSNN để kích thích kinh tế, tăng đầu tư công và xử lý nợ xấu cũng như miễn giảm thuế để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh hẹp nguồn thu, cần tập trung thực hiện hiệu quả chi và cơ cấu các khoản chi, đặc biệt lưu ý tập trung cho an sinh xã hội và cắt giảm đầu tư công.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, khi thu NSNN khó khăn, cần hài hòa cắt giảm đầu tư, giảm chi thường xuyên để không ảnh hưởng đến nguồn lực cho an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cần lập quỹ và có phương án xã hội hóa các cơ chế an sinh xã hội để giảm áp lực cho NSNN.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ hồi tháng 4-2013, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ chưa điều chỉnh kế hoạch thu chi ngân sách, sẽ cố gắng tìm giải pháp để bảo đảm đầu tư cho những công trình trọng điểm.

Để cân đối thu chi, Bộ Tài chính vừa đề xuất các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên ngoài lương trong 8 tháng cuối năm với tổng số tiền khoảng 4.000 tỉ đồng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo