Đây là nội dung quan trọng của dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được Chính phủ trình Quốc hội (QH) sáng 26-10.
Chỉ còn khoảng 1 triệu người phải nộp thuế
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết dự luật quy định nâng mức khởi điểm chịu thuế TNCN từ 4 triệu đồng/tháng lên mức 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên mức 3,6 triệu đồng/tháng. Dự luật còn bổ sung quy định “khi giá thị trường biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh”.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển cho biết đa số thành viên ủy ban tán thành với mức giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc dự luật nâng mức giảm trừ gia cảnh cũng có “phản ứng” phụ và thay đổi mục tiêu ban đầu của Luật Thuế TNCN đã được QH khóa XII thông qua.
Theo Tờ trình của Chính phủ, cả nước hiện có khoảng 3,87 triệu người phải nộp thuế TNCN (chiếm 4,4% dân số). Còn nếu nâng mức giảm trừ gia cảnh như dự luật sẽ thu hẹp đối tượng phải nộp thuế chỉ còn khoảng 1 triệu người, chiếm tỉ lệ thấp so với tổng số người có thu nhập. Số lượng hộ kinh doanh cá thể thuộc diện nộp thuế TNCN cũng giảm khá lớn. Ngoài ra, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu ngân sách. Dự kiến, năm 2013 giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 5.200 tỉ đồng, năm 2014 giảm khoảng 13.350 tỉ đồng.
Có hiệu lực từ 1-7-2013
Về biểu khung thuế suất, một số ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng biểu thuế suất hiện hành quy định 7 bậc thuế là khá nhiều, chưa điều tiết hợp lý thu nhập với người có thu nhập cao. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị sửa đổi biểu thuế suất theo hướng dãn khoảng cách các bậc thuế hiện hành xuống còn 5 bậc với các mức thuế suất 5%; 10%; 15%; 25% và 35%.
Đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành với đề xuất của Chính phủ về thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Thuế TNCN (từ ngày 1-7-2013). Song cũng có ý kiến đề nghị lùi thời điểm có hiệu lực đến ngày 1-1-2014 để bảo đảm áp dụng theo niên độ ngân sách, dễ tính, dễ thực hiện và sẽ tăng thu cho ngân sách Nhà nước so với phương án luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013 trên 6.000 tỉ đồng.
Siết nhập khẩu vào Hà Nội Cùng ngày, QH cũng nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày dự thảo Luật Thủ đô. Ban soạn thảo dự luật đưa ra 2 phương án quy định điều kiện nhập cư vào Hà Nội. Thứ nhất, người lao động “có biên chế” hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn được đăng ký thường trú ở nội thành với điều kiện có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở. Ngoài ra, thời hạn tạm trú tại chỗ ở đó phải bảo đảm từ đủ 3 năm trở lên. Thứ hai, khi ở nhà thuê thì phải bảo đảm diện tích mặt sàn tối thiểu 5 m2/người. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho rằng việc quy định điều kiện đăng ký nhập hộ khẩu vào nội thành Hà Nội tuy có chặt chẽ nhưng chưa phải là giải pháp tối ưu để quản lý dân cư mà cần đồng bộ nhiều giải pháp khác nhằm dãn bớt số lượng dân cư thường trú trong nội thành. |
Bình luận (0)