Dù mỗi lít xăng đã gánh tới 3.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường nhưng trong dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường sửa đổi, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục đề xuất tăng kịch khung thuế với mặt hàng này lên 8.000 đồng/lít. Nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn liệu việc thu chi thuế bảo vệ môi trường đã thực sự minh bạch và tương xứng?
Tăng thuế để cơ cấu lại ngân sách
Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - ĐHQG Hà Nội (VEPR), ngân sách năm 2016 tiếp tục là điểm hạn chế của kinh tế Việt Nam. Dẫn số liệu ước tính của Bộ Tài chính, VEPR cho rằng bội chi ngân sách dù giảm so với năm 2015 nhưng vẫn còn vượt xa mức kế hoạch đưa ra hồi đầu năm 2016. Theo đó, bội chi ngân sách năm 2016 ước tính ở mức 5,64% GDP, tương đương 254.000 tỉ đồng. Thu ngân sách ước đạt 1.039.000 tỉ đồng và bằng 102,4% so với dự toán. Trong khi đó, chi ngân sách lên tới 1.293.000 tỉ đồng, tương đương 106,3% dự toán.
“Việc sụt giảm nguồn thu do ảnh hưởng của giá dầu thô đã khiến cơ cấu thu ngân sách của Việt Nam có sự thay đổi đáng kể. Để bù đắp hụt thu, Chính phủ buộc phải đẩy mạnh các nguồn thu khác như thu thuế bảo vệ môi trường và thu tiền sử dụng đất” - VEPR nêu rõ.
Chiều 17-1, ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, cũng giải thích một trong những lý do của việc đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường là để cơ cấu lại ngân sách. Cụ thể, khoảng 10 năm trước, thu thuế phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động xuất nhập khẩu với các loại thuế là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt. Hiện nay, việc hội nhập sâu rộng đã khiến các phần thu thuế trước kia bị hụt, dẫn đến cơ cấu thu thay đổi.
“Đây là khung thuế được tính toán để sau này khi có những điều chỉnh về cơ cấu do tham gia hội nhập sẽ phù hợp. Còn mức cụ thể thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành” - ông Liêm cho hay.
Chi tối thiểu 10% ngân sách cho môi trường
Đáng lưu ý, số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy kể từ thời điểm bắt đầu áp dụng là năm 2012 đến nay, số thu thuế bảo vệ môi trường năm sau đều tăng hơn năm trước. Trong đó, số thu thuế đã tăng dần từ mức 11.160 tỉ đồng năm 2012 lên 42.393 tỉ đồng năm 2016. Tuy nhiên, số chi cho bảo vệ môi trường chỉ đạt 9.000 tỉ đồng trong năm 2012, 2013 và tăng lên 12.290 tỉ đồng năm 2016.
Thống kê nêu trên của Bộ Tài chính dẫn đến lo ngại việc tăng thu thuế môi trường sẽ được sử dụng vào việc khác mà không chi tương xứng cho công tác bảo vệ môi trường.
Giải thích điều này, ông Vũ Khắc Liêm cho hay hiện nay, cơ bản chưa tính toán được cụ thể mức đầu tư cho môi trường hằng năm. Bởi lẽ, ngoài đầu tư cho sự nghiệp môi trường tối thiểu 10% tổng thu ngân sách thì còn nhiều loại phí, quỹ liên quan đến môi trường cũng như vốn vay ODA. “Thu thuế là một trong những biện pháp góp phần bảo vệ môi trường. Còn thuế bảo vệ môi trường không thể nói là trực tiếp chi cho môi trường. Có chi cho môi trường nhưng từ ngân sách nhà nước” - ông Liêm lý giải.
Theo vị đại diện Bộ Tài chính, đầu tư cho môi trường bao gồm rất nhiều khoản như: xử lý ô nhiễm chất thải rắn, lỏng, khí, nhiều vấn đề ô nhiễm khác hoặc hỗ trợ chính sách liên quan đến môi trường. Ngoài ra, chi đầu tư cho môi trường cũng là một khoản hoàn toàn khác. Do đó, khó có thể minh định được “đồng nào ra đồng đấy”.
Tuy vậy, nguyên tắc điều chỉnh mức thu thuế là phải phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp cũng như các cam kết hội nhập. “Hiện mới trình khung thuế từ 4.000-8.000 đồng, còn mức tăng thì phải tính toán từng thời điểm, nhất là còn phải trình Quốc hội, phải họp bàn, thảo luận. Bây giờ mới chỉ là lộ trình xin ý kiến thôi. Bộ Tài chính vẫn đang thực hiện theo Nghị quyết Chính phủ, ưu đãi về thuế phí, tín dụng chứ không phải Chính phủ bảo hỗ trợ doanh nghiệp mà chúng tôi làm ngược lại” - đại diện Bộ Tài chính phân trần.
Bình luận (0)