Tại cuộc họp báo Chính phủ vào chiều 4-5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã lý giải vì sao bộ này đề xuất các báo cáo điều hành kinh doanh và phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá mặt hàng xăng, dầu chưa công bố; phương án chỉ đạo điều chỉnh giá điện chưa công bố sẽ là những thông tin được đóng dấu mật.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Giá điện, xăng khi chưa công bố là thông tin mật
Theo ông Đỗ Thắng Hải, hiện giá xăng dầu đã thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Xăng dầu cũng là mặt hàng thiết yếu, đầu vào phục vụ sản xuất của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân. Biến động tăng, giảm giá xăng dầu ảnh hưởng tới công tác kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô, tác động tới lạm phát kỳ vọng trong nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng đưa ra các lý giải tương tự cho mặt hàng điện. Theo đó, giá điện cũng là mặt hàng Nhà nước thống nhất quản lý, ảnh hưởng tới đời sống, điều hành kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Giá của mặt hàng này có tác động không nhỏ tác động tới lạm phát và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân.
Đại diện Bộ Công Thương cũng dẫn ra các căn cứ pháp lý về đề xuất nêu trên. Cụ thể, năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 106 về danh mục bí mật nhà nước độ tuyệt mật, tối mật trong ngành công thương. Bộ Công an cũng ban hành quyết định về danh mục bí mật nhà nước độ mật của ngành công thương.
Ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: "Khi chưa công bố thì là mật, còn sau khi công bố thì kể cả giá điện, xăng dầu thì đưa một cách công khai".
Bộ Công Thương đề xuất phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá mặt hàng xăng, dầu chưa công bố; phương án chỉ đạo điều chỉnh giá điện chưa công bố xếp vào danh mục mật
Làm rõ thêm nội dung điều chỉnh chỉnh tăng giá điện sau khi đại diện Bộ Công Thương đã giải đáp các câu hỏi của báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh điều chỉnh giá điện là cần thiết nhưng phải có căn cứ khoa học, minh bạch, đánh giá tác động đầu vào.
Về đề xuất văn bản mật khi xây dựng phương án điều chỉnh giá điện, ông Mai Tiến Dũng giải thích, văn bản ban hành ra là không mật nhưng trong quá trình soạn thảo và chuẩn bị văn bản đó thì được quản lý theo nguyên tắc như văn bản mật.
"Ví dụ, một văn bản thông thường phát hành nhưng trong quá trình trao đổi giữa các cơ quan, để bảo đảm an toàn tuyệt đối trong xây dựng chính sách thì phải mật, đó là cách quản lý nội bộ"- ông Dũng nói.
Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của các bên liên quan về dự thảo Danh mục bí mật nhà nước ngành công thương. Theo đó, bộ này đề xuất xếp 13 thông tin, tài liệu vào danh mục bí mật nhà nước độ tối mật của ngành. Có 30 thông tin, tài liệu được đề xuất xếp vào danh mục bí mật nhà nước thuộc danh mục mật.
Đáng chú ý, trong các danh mục được đề xuất xếp vào danh mục mật có báo cáo điều hành kinh doanh và phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá mặt hàng xăng dầu chưa công bố; phương án chỉ đạo điều chỉnh giá điện chưa công bố.
Một số danh mục khác cũng nằm trong diện mật như: Phương án tổ chức bộ máy, điều động, luân chuyển, quy hoạch cán bộ, hồ sơ cán bộ lãnh đạo từ cấp vụ và tương đương trở lên, tài liệu quy hoạch cán bộ, quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo trong ngành công thương chưa công bố; hồ sơ, tài liệu, thông tin về hoạt động thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng trong ngành công thương đang trong quá trình kiểm tra, xác minh hoặc đã kết luận nhưng chưa công bố.
Các hồ sơ, tài liệu thông tin về cá nhân, tổ chức (kể cả cá nhân, tổ chức nước ngoài) có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Công Thương đang trong quá trình thu thập, thẩm tra, xác minh, kiểm tra, xử lý chưa được công bố theo quy định pháp luật cũng được đề xuất xếp vào danh mục mật.
Bình luận (0)