"Thay mặt Bộ Công Thương, tôi xin được bày tỏ sự đồng cảm, sự chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, cũng như sự bất tiện, nỗi khổ của người dân trong sinh hoạt, trong cuộc sống hàng ngày"- ông Đỗ Thắng Hải nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời báo chí ngày 3-6. Ảnh: Nhật Bắc
Thông tin về tình hình cung ứng điện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết cơ bản ổn định trong 4 tháng đầu năm, nhưng bước sang tháng 5 đã gặp khó khăn do tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài, nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
Trong khi đó, lưu lượng nước về các hồ thủy điện, nhất là phía Bắc, rất thấp cũng gây ảnh hưởng lớn đến tình hình cung ứng điện. Đặc biệt trong cuối tháng 5 vừa qua, nguồn than nhập khẩu. chậm hơn nhu cầu so với sản xuất điện.
Trước tình hình này, Chính phủ, Thủ tướng và Bộ Công Thương đã có chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các đơn vị có liên quan theo sát tình hình thời tiết, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho phát điện. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình nguồn và lưới điện.
Bộ Công Thương cũng đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt trong những tháng nắng nóng. Lãnh đạo Bộ Công Thương đã nêu 3 nhóm giải pháp chính nhằm đảm bảo cung ứng điện.
Trước hết, theo ông Hải, cần đảm bảo và tăng cường công tác vận hành, vận hành hệ thống điện sẵn có và đảm bảo việc cung cấp nhiên liệu để phục vụ sản xuất điện. Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị điện lực tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ mà Thủ tướng và Chính phủ giao để đảm bảo cung ứng điện mùa khô năm 2023. Đồng thời, rà soát công tác vận hành hệ thống điện, chỉ đạo các đơn vị phát điện chuẩn bị tư liệu sẵn sàng phục vụ cho phát điện.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu tăng sản lượng than cho cấp điện, khoảng 300.000 tấn cho tháng 5 và khoảng 100.000 tấn cho các tháng tiếp theo; tăng 18% lượng khí cấp cho khu vực Đông Nam Bộ và 8% khí cấp cho khu vực Tây Nam Bộ.
Nhóm giải pháp thứ hai là khẩn trương đưa các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp hòa lưới. Tính đến chiều 31-5, đã có 7 dự án với tổng công suất hơn 430 MW chính thức được phát điện thương mại lên lưới. Hiện có 59/85 dự án với tổng công suất 3389 MW đã gửi hồ sơ cho công ty mua bán điện thuộc EVN để đàm phán giá điện.
Nhóm giải pháp thứ 3, theo Thứ trưởng Hải, là đẩy mạnh tiết kiêm điện - giải pháp thực hiện xuyên suốt, lâu dài, không phải khi thiếu điện mới triển khai.
Thời gian tới với tổng nguồn của hệ thống điện hơn 81.000 MW, trong khi phụ tải cao nhất là 44.000 MW, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng nếu đảm bảo các tổ máy không gặp sự cố, vận hành tin cậy và đủ nhiên liệu, đủ tiếp nước cho các hồ thủy điện, chúng ta sẽ khắc phục được tình trạng thiếu điện và đảm bảo điện cho sản xuất cũng như đời sống người dân.
Về việc giải quyết đối với dự án điện tái tạo không nằm trong quy hoạch, Thứ trưởng cho biết vừa qua Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó chỉ nêu tổng công suất các nguồn điện tái tạo dự kiến và không có dự án cụ thể nào. Hiện Bộ Công Thương đang triển khai thực hiện kế hoạch, sẽ cụ thể hóa quy mô công suất, tiến độ các dự án theo từng địa phương để báo cáo Thủ tướng phê duyệt.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, những dự án không nằm trong quy hoạch là dự án "gặp một số vấn đề", Bộ đã có văn bản hướng dẫn giải quyết vấn đề này. Căn cứ Luật giá, Luật Điện lực làm cơ sở cho EVN và chủ dự án đàm phán giá điện.
Bộ Công Thương cũng ban hành 10 văn bản thúc EVN đàm phán giá điện, thống nhất giá điện với lợi nhuận hợp lý. Tuy nhiên, ngoài vấn đề cơ chế giá, các dự án phải tuân thủ các thủ tục... với sự thiện chí hài hòa lợi ích chia sẻ, hỗ trợ các dự án để sớm đưa vào lưới điện để đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt.
Bình luận (0)