Ngày 4-5, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời một số nội dung liên quan đến việc điều chỉnh tăng giá điện lên 8,36% từ 20-3 vừa qua.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Theo ông Đỗ Thắng Hải, việc điều chỉnh này được căn cứ vào Quyết định 24 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh gía bán lẻ điện bình quân và các văn bản khác. Đồng thời, xét đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), xét điều kiện thực tiễn, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ngành liên quan, trình Chính phủ các phương án tăng giá điện.
"Sau khi Thủ tướng có ý kiến phê duyệt, Bộ Công Thương đã thực hiện ban hành các quyết định điều chỉnh tăng giá điện lên 8,36%"- ông Hải nói.
Theo đại điện Bộ Công Thương, thời điểm cuối tháng 4 vừa qua, nhiều hộ dùng điện đã phản ánh hóa đơn tiền điện tăng vọt so với thang 3. Về nguyên nhân, phía EVN đã có lý giải.
"Chúng tôi rất chia sẻ với suy nghĩ, với bức xúc của người tiêu dùng khi nhận hóa đơn tiền điện cao hơn, số tiền phải bỏ ra cao hơn trong bối cảnh hiện nay"- ông Hải nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải giải thích thêm về việc tăng giá điện
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết bộ đã yêu cầu EVN tiếp nhận xử lý, giải đáp đầy đủ các khiếu nại của khách hàng. Trong trường hợp có lỗi thì ngành điện phải xin lỗi, xử lý nghiêm các cá nhân gây ra lỗi.
Cũng vấn đề này, trả lời báo chí, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, cơ quan này sẽ bắt đầu kiểm tra việc tăng giá điện từ đầu tuần tới. "Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính với tinh thần làm sao kết luận chính xác, khách quan, làm rõ đúng sai của việc điều chỉnh tăng giá điện, phương án tình giá điện"- ông Lam nhấn mạnh. Đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ công bố công khai kết quả khi cuộc kiểm tra kết thúc.
Vừa qua, nhiều hộ tiêu dùng phản ánh bất ngờ khi nhận hoá đơn tiền điện tháng 4-2019 tăng đột biến so với tháng 3. EVN sau đó đã có phản hồi và đưa ra nguyên nhân lý giải hóa đơn tiền điện tăng vọt. Theo EVN, tại khu vực miền Nam, Tây Nguyên bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 độ C; khu vực miền Bắc đặc biệt là thủ đô Hà Nội bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nồm với độ ẩm cao và có ngày đã bắt đầu nắng nóng trên 30°C, do vậy nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cho các thiết bị giải nhiệt, hút ẩm, đặc biệt là máy lạnh tăng cao.
Theo dõi số liệu sản lượng điện tại TP Hà Nội và TP HCM cho thấy trong giai đoạn cuối tháng 3 và đầu tháng 4-2019, việc tiêu thụ điện tại địa bàn tăng tương ứng từ 47 triệu kWh/ngày lên đến gần 58 triệu kWh/ngày.
Ngành điện cũng đưa ra nguyên nhân do điều chỉnh giá bán điện kể từ ngày 20-3 vừa qua. Nếu hộ dùng dưới 50 kWh sẽ tăng hơn 7.000 đồng/tháng, từ 51-100 kWh sẽ tăng hơn 14.000 đồng/tháng, nếu dùng từ 101-200 kWh sẽ tăng hơn 31.000 đồng/tháng.
"Trường hợp khách hàng sử dụng 400 kWh thì số tiền phải trả thêm hơn 77.725 đồng so trước thời điểm chưa tăng giá. Mức giá này sẽ còn tăng 22.600 đồng cho mỗi 100 kWh nếu khách hàng sử dụng nhiều hơn" - EVN nêu.
Liên quan tới vấn đề này, ngày 3-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ, một số bộ ngành vào cuộc tìm hiểu các vấn đề sau khi tăng giá điện, báo cáo trong tháng 6 tới.
Việc tăng giá điện gây tâm tư trong nhân dân
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2019 chiều 4-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc tăng giá điện vừa qua gây tâm tư trong nhân dân. Do đó, Thủ tướng đã yêu cầu kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá, từ đó, công khai kết quả. "Việc này, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN cũng thấy cần thiết phải báo cáo lại trước Chính phủ, trước nhân dân về vấn đề này"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)