Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định trải qua 20 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nền tài chính tiền tệ lành mạnh, an toàn và ổn định. Thị trường chứng khoán cũng là bệ phóng cho nhiều doanh nghiệp phát triển quy mô, chất lượng.
Thủ tướng ghi nhận những thành tựu nổi bật của thị trường qua 20 năm. Đặc biệt, dù thị trường chứng khoán Việt Nam non trẻ nhưng rất tự hào vì đã kiên cường vượt qua thử thách trên toàn cầu, nhất là trong đại dịch Covid-19, khi được đánh giá là thị trường hồi phục nhanh nhất thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh cồng tại lễ kỷ niệm 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam
Về định hướng phát triển thị trường trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, các thành viên thị trường cần phối hợp tốt để đưa thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên theo hướng ngày càng đột phát. Sớm hoàn thiện thể chế, đồng bộ các luật định để hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN cũng như các nhà đầu tư tham gia thị trường. Đặc biệt, cần thực hiện hiệu quả các giải pháp để thúc đẩy cổ phần hoá DN, niêm yết; áp dụng những chuẩn mực quốc tế về tài chính, kiểm toán cũng như tập trung làm tốt công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm công khai, minh bạch nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường, cũng như an toàn cho thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tiền tệ Việt Nam nói chung.
Thủ tướng bắt tay ông Lê Văn Châu, Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban chứng khoán Việt Nam
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho hay qua 20 năm phát triển, từ 2 doanh nghiệp niêm yết ban đầu (SAM, REE), đến nay, số lượng công ty niêm yết, đăng ký giao dịch trên hai sở giao dịch chứng khoán đã lên tới 1.647 công ty, với giá trị niêm yết/đăng ký giao dịch 1.428.000 tỉ đồng. Mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu tính đến ngày 30-6-2020 đạt 3.894.000 tỉ đồng, chiếm 64,5% GDP.
Ngoài các công cụ là cổ phiếu, trên thị trường cổ phiếu còn có thêm các công cụ đầu tư khác như: chứng chỉ quỹ đầu tư, chứng chỉ quỹ ETF, REIT... và gần đây là sản phẩm mới chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrants).
Người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán đánh giá thị trường chứng khoán đang ngày càng trở thành kênh huy động vốn hiệu quả không chỉ cho các doanh nghiệp mà còn hỗ trợ Chính phủ trong cân đối ngân sách quốc gia thông qua việc huy động vốn trên thị trường trái phiếu chính phủ. Khối lượng huy động vốn qua phát hành trái phiếu chính phủ bình quân khoảng 185.000 tỉ đồng/năm đáp ứng 50%-60% nhu cầu huy động vốn cho cân đối ngân sách hằng năm.
Đặc biệt, thị trường chứng khoán đã góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Đã có trên 1.000 cuộc đấu giá, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước, trong đó nhiều đơn vị đã niêm yết lên sàn. Hệ thống các tổ chức trung gian trên thị trường cũng ngày càng hoàn thiện với trên 100 công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đang hoạt động. Tính đến hết năm 2019 đã có gần 2000 quỹ đầu tư, với tổng giá trị danh mục ước đạt hơn 12 tỉ USD.
Tính đến ngày 31-5-2020, số lượng tài khoản nhà đầu tư do Trung tâm Lưu ký quản lý là 2,5 triệu tài khoản, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2010. Tổng mã số giao dịch chứng khoán đã cấp cho nhà đầu tư nước ngoài là 34.052 mã số, trong đó, có 29.389 mã số cá nhân và 4.663 mã số tổ chức, lần lượt tăng 13,3 lần và gần 26 lần.
Bình luận (0)