Ngày 2-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Phát biểu khai mạc, Thủ tướng dành thời gian nói về quá trình phòng chống, kiểm soát đại dịch Covid-19 của Việt Nam, kết quả này được thế giới đánh giá cao.
Từ việc kiểm soát dịch bệnh sớm, đã tạo tiền đề cho Việt Nam sớm đi vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. "Đây là thành công lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta"- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Dù vậy, Thủ tướng cũng nêu thực tế, đại dịch Covid-19 đã tác động rất mạnh đến nền kinh tế nước ta trong quý II. "Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế là cấp bách hơn bao giờ hết. Hội nghị này sẽ ra phương châm phục hồi, tận dụng tốt cơ hội, tiến công mạnh mẽ để phát triển nền kinh tế"- Thủ tướng nói và cho biết, kinh tế thế giới xấu đi nhanh chóng do dịch Covid-19, đặc biệt là các đối tác lớn, quan trọng của nước ta.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị Chính phủ với các địa phương - Ảnh: VGP
Nhờ sớm đưa ra kế hoạch thực hiện mục tiêu kép là phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và duy trì phát triển kinh tế xã hội, nên kinh tế vĩ mô giữ được sự ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, tạo nền tảng quan trọng để phát triển.
Thủ tướng cho biết Ban Chỉ đạo điều hành giá họp phiên ngày hôm qua 1-7 đã báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 là 4,19%, xuất siêu 4 tỉ USD, thu ngân sách đạt khá, tỉ giá ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm.
"Ban Chỉ đạo điều hành giá đã báo cáo, cố gắng giữ CPI năm 2020 dưới 4%, đúng mục tiêu Quốc hội đề ra. Nếu không giữ được chỉ tiêu này sẽ phá vỡ nhiều vấn đề khác, nhất là đời sống nhân dân"- Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, dù có tác động từ đại dịch Covid-19 nhưng vẫn là bệ đỡ quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu. Theo Thủ tướng, giá thịt lợn trong những ngày gần đây giảm liên tiếp 3-4 giá.
Trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng lưu ý các địa phương cần bình tĩnh, chủ động, vững tin trong nhận định, đánh giá tình hình, không chủ quan nhưng nhất định không được bi quan. "Càng khó khăn, càng phải nỗ lực vươn lên. Trong đại dịch, chúng ta có 63 tỉnh, TP, nhưng chỉ có 12 địa phương tăng trưởng âm. Nhiều địa phương, tập đoàn, người dân, hợp tác xã, hộ cá thể đã quyết tâm lớn trong 6 tháng đầu năm"- lãnh đạo Chính phủ nói.
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu trước hết là không để dịch Covid-19 quay trở lại, bởi sẽ xóa các thành quả mà Việt Nam đã phấn đấu trong thời gian qua. Chính vì vậy, tại hội nghị này, Thủ tướng kỳ vọng các địa phương sẽ hiến kế, nêu giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu trên, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân. "Không chỉ phòng thủ dịch bệnh mà phải tiến công để phát triển, không thể yếu trong tiến công"- người đứng đầu Chính phủ lưu ý với các bộ ngành, địa phương.
Nhấn mạnh về nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví cỗ máy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như "cỗ xe tam mã", với 3 cấu phần quan trọng nhất là: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. "Cần dùng mọi biện pháp để tăng cả 3 cọn ngựa kéo, đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất"- Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nhắc đến một số vấn đề như kinh tế ban đêm, kinh tế số, phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người dân nhà ở, đây là những vấn đề mới, Thủ tướng đề nghị các địa phương lưu ý và tận dụng vấn đề này. Thủ tướng băn khoăn khi có địa phương cả năm không có dự án nào được khởi công, trong khi nhu cầu đầu tư rất lớn, nếu địa phương như vậy thì làm sao phát triển được.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng hoan nghênh một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Long An... đã có chương trình thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, trong đó có nguồn vốn FDI. Thủ tướng cho rằng, nếu chúng ta không có hạ tầng, về các điều kiện khác về đầu tư kinh doanh thì nguồn vốn FDI sẽ "chảy" sang các quốc gia khác.
Theo Thủ tướng, doanh nghiệp, người dân đang đối mặt với các khó khăn do đại dịch Covid-19, do vậy, địa phương cần cắt giảm thủ tục hành chính, sớm báo cáo cấp có thẩm quyền để gỡ bỏ các rào cản. "Chúng ta cần có một thái độ phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp. Một không khí như vậy thì mới tạo sự phát triển được, còn cứ quyền anh, quyền tôi, gây khó khăn cho doanh nghiệp thì không bao giờ thành công. Chuyện này chúng ta đã nói nhiều, nhưng chưa chuyển biến" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Bình luận (0)