Ngày 9-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp, bàn về các giải pháp cùng nỗ lực, vượt thách thức và đón thời cơ phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19.
Hội nghị lần này được tổ chức theo hình thức đặc biệt với quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành cũng như truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Do đó, khoảng 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi.
Phát biểu khai mạc sáng 9-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm qua những dấu mốc nổi bật của Việt Nam trong quá trình kiểm soát, đẩy lùi và phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, những chia sẻ của doanh nghiệp với đất nước trong giai đoạn khó khăn vừa qua.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị với doanh nghiệp - Ảnh: VGP
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, Việt Nam đang đứng trước thời khắc bước ngoặt do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, cần phải có quyết tâm để vượt qua khó khăn, khôi phục nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra một số giải pháp trọng tâm thời gian tới như thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, thu đầu tư FDI, thúc đẩy xuất khuất, triển khai hiệu quả đầu tư công và đẩy mạnh tiêu dùng trong nước cũng là các giải pháp quan trọng được Thủ tướng Chính phủ chỉ ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các bộ ngành phải xắn tay áo vào, địa phương phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để phục hồi nền kinh tế, vượt qua giai đoạn khó khăn này. "Cần hun đúc tinh thần dám nghĩ dám làm, đổi mới, phát triển. Cần lưu ý trong công việc, không phải quyền anh quyền tôi mà vì lợi ích đất nước, dân tộc" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước khi bước vào phần đóng góp ý kiến của bộ ngành, doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có 6 đề nghị đến cộng đồng doanh nghiệp:
Thứ nhất là yêu Tổ quốc. Bởi làm gì mà không nghĩ đến Tổ quốc thì không thành doanh nghiệp lớn được. Yêu Tổ quốc là thượng tôn pháp luật, chia sẻ với Tổ quốc. Thời gian qua đã có nhiều tấm gương doanh nghiệp chia sẻ với đất nước trong giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp lớn đóng góp lớn, doanh nghiệp nhỏ đóng góp nhỏ.
Thứ 2 là đoàn kết, vì mất đoàn kết là tự làm yếu mình.
Thứ 3 là không được nản chí, bởi nản chí là tự mình bỏ cuộc. Môi trường kinh doanh của Việt Nam còn những khó khăn thách thức, nhưng doanh nghiệp cần vượt qua.
Thứ 4, doanh nghiệp cần năng động, quyết đoán, vì thụ động thì không thể thành công được.
Thứ 5, doanh nghiệp cần sáng tạo, vì thiếu sáng tạo thì tự mình tụt lại phía sau.
Thứ 6, cần có niềm tin, vì không có niềm tin là tự chối bỏ mình.
Trước khi kết thúc bài phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn 2 câu thơ trong bài thơ "Tự khuyên mình" của Chủ tịch Hồ Chí Minh để động viên tất cả mọi người trong những thời điểm gặp khó khăn: "Ví không có cảnh đông tàn/ Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân".
Trên tình thần lắng nghe các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, đơn vị liên quan khi phát biểu ý kiến tại hội nghị cần tập trung vào các nhóm giải pháp, ngắn gọn, trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề, tránh nói "những điều đã biết rồi".
Tại Hội nghị, có 2 báo cáo chính được trình bày là, báo cáo về tác động của dịch Covid-19, thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển kinh doanh và thông báo nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Nội dung này do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày.
Báo cáo thứ hai do Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trình bày, tổng hợp các kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả, mức độ tiếp nhận, hấp thụ của doanh nghiệp đối với các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Sau đó, Hội nghị sẽ lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia với tinh thần mà theo Thủ tướng, thể hiện quyết tâm vượt khó, có chí tiến thủ, chung sức đưa kinh tế đất nước bật dậy, chứ không "than nghèo, kể khổ". Nỗi khổ, khó khăn của doanh nghiệp thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thấu hiểu (thể hiện qua hàng loại gói hỗ trợ được đưa ra thời gian qua).
Bình luận (0)