Theo thông tin từ Cổng TTĐT Chính phủ, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long ngày 3-10 đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, chuyên gia đánh giá việc áp giá sàn vé máy bay nội địa là trái quy định pháp luật, vi phạm nguyên tắc quản lý giá đối với thị trường hàng không nội địa, không phù hợp với thể chế về quản lý giá trong nền kinh tế thị trường, đi ngược với xu hướng của hàng không thế giới. Ông cho rằng việc này có thể gây hệ lụy rất lớn trong việc phục hồi kinh tế, phục hồi ngành du lịch, gây khó khăn cho công nhân trở lại nhà máy và tước bỏ quyền đi lại bằng đường hàng không với giá rẻ của hàng chục triệu người. Trên cơ sở đó, chuyên gia Ngô Trí Long kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm cho ngừng chủ trương áp giá sàn.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nghiên cứu nội dung đề nghị nêu trên của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long để xem xét, xử lý theo quy định, có văn bản trả lời cho chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long biết.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ ngày 24-8 đã thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá quý II/2021 ngày 13-8, giao Bộ GTVT quy định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa cho phù hợp với pháp luật về hàng không, pháp luật về giá nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng, đơn vị cung ứng dịch vụ và quyền lợi của Nhà nước.
Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam rà soát, đề xuất khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa cho phù hợp với pháp luật về hàng không, pháp luật về giá nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng, đơn vị cung ứng dịch vụ và quyền lợi của Nhà nước.
Cục Hàng không Việt Nam hôm 31-8 đã trình Bộ GTVT dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Cục đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa, mức tối thiểu vé bằng 20% mức giá tối đa quy định. Tùy từng nhóm đường bay, giá sàn được đề xuất từ 320.000 - 750.000 đồng một chiều. Đề xuất áp giá sàn trong vòng 1 năm, từ ngày 1-11-2021 đến hết ngày 31-11-2022.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, mức quy định này nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng; các hãng hàng không và Nhà nước (với tư cách là cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối trên 86% vốn điều lệ của Vietnam Airlines).
Đề xuất này ngay lập tức đã gây tranh cãi trong dư luận. Bản thân Cục cũng nhận thấy việc áp sàn giá vé máy bay tồn tại các bất cập, hạn chế: Chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, gây nên tình trạng bất bình đẳng giữa các hãng hàng không, hạn chế tính cạnh tranh trong thị trường kinh doanh vận chuyển hàng không nội địa, làm hạn chế khả năng tiếp cận của một bộ phận người tiêu dùng, có thể gây cản trở cho nỗ lực kích cầu của các hãng hàng không...
Về quan điểm của các hãng hàng không, có 2 nhóm. Trong đó, Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Bamboo Airways thuộc "nhóm đánh giá tác động tích cực". "Nhóm đánh giá tác động tiêu cực" gồm có Vietravel Airlines và Vietjet.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, chuyên gia kinh tế - PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhấn mạnh quan điểm về đề xuất áp giá sàn giá vé máy bay là phi lý, không phù hợp với việc cạnh tranh theo thị trường và không có lợi cho người tiêu dùng.
Bình luận (0)