Ngày 29-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị doanh nghiệp (DN) Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “DN Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế đất nước”. Chính phủ mong muốn lắng nghe DN phản ánh những khó khăn, vướng mắc, hiến kế, góp ý để Chính phủ cùng các cơ quan liên quan tháo gỡ. Hội nghị thu hút đông đảo các DN trong và ngoài nước tham dự.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ và các cơ quan quản lý có trách nhiệm bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của DN, của công dân, tạo điều kiện cho DN phát triển. Do đó, phải tháo gỡ mọi rào cản, chống tiêu cực, chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước và tinh thần lớn nhất là “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết trước thềm hội nghị, VCCI đã có báo cáo gần 200 trang về thực trạng và giải pháp kiến nghị với Thủ tướng và các bộ, ngành. Trong vòng 5 năm tới nên được xác định là 5 năm quốc gia khởi nghiệp, 5 năm cả nước tập trung toàn lực phát triển DN.
“Phải có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức” được cho DN. Cộng đồng DN kiến nghị giảm thiểu các rủi ro và chi phí về hành chính (giao dịch, gia nhập thị trường, tuân thủ luật pháp…); giảm lãi suất thực cùng với việc giải quyết nợ xấu một cách thực chất” - ông Lộc kiến nghị.
Hàng trăm DN đã tham dự buổi đối thoại với Thủ tướng Chính phủ
Đại diện Hiệp hội DN Nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng Đảng và nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cho DN phát triển, đặc biệt DN nhỏ và vừa nhưng vẫn cần thêm nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, hiệp hội kiến nghị 8 nội dung, ưu tiên trình chính phủ luật DN nhỏ và vừa, khẩn trương xây dựng và trình Quốc hội ban hành luật về hội, thành lập ban chỉ đạp chương trình khởi nghiệp quốc gia, tạo cơ chế chính sách cho các DN đầu tư kho ngoại quan, bổ sung điều kiện thuận lợi nhất cho DN nhỏ và vừa nâng sức cạnh tranh, hỗ trợ bằng chính sách như giảm thuế, khuyến khích các ngân hàng có chương trình ưu đãi cho DN nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng…
Liên quan đến môi trường, đại diện Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam vui mừng thấy các nhà lãnh đạo Việt Nam có nhiều biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu, rất mong muốn hợp tác với chính phủ trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Rất hoan nghênh Quốc hội thông qua luật về môi trường; mong muốn chính phủ có kế hoạch phát triển năng lượng Việt Nam trong đó chú trọng sử dụng, ứng dụng năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng có hiệu quả hơn. Hy vọng thuế, hải quan sẽ được cải thiện.
Có thể giảm thêm lãi suất
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà cho rằng luật DN và luật đầu tư sửa đổi dù đã được ban hành nhưng đến giờ chưa có hướng dẫn gây khó khăn cho DN. Do đó, kiến nghị dưới luật chỉ nên có nghị định, bỏ thông tư vì thông tư "đẻ" giấy phép con. Kiến nghị có chế tài mạnh mẽ cán bộ vô cảm, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho DN.
"Đồng thời, với luật phá sản để thực thi chính phủ cần thúc đẩy mạnh mẽ theo cơ chế thị trường. Thuế, hải quan đăng ký điện tử tốt nhưng phải kiểm tra từng DN, vì một số DN phản ánh thực tế không tốt như vậy. Nghe báo cáo nhưng cũng cần thẩm định. Nên đặt câu chuyện cùng thắng “win – win” trong phát triển các tập đoàn kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân làm động lực dẫn dắt kinh tế phát triển" - ông Hà chia sẻ.
Liên quan đến nguồn vốn tín dụng, ông Trần Bắc Hà cho biết vốn tín dụng đến cuối 2015 cung ứng bằng 100% GDP, bình quân 70% khu vực. Nhiều năm qua, vốn tín dụng vẫn là kênh dẫn vốn quan trọng cho phát triển kinh tế. Hiện lãi suất cho vay dao động 7% – 11%/năm cho vay ngắn, trung và dài hạn là mức lãi suất thấp nhất trong nhiều năm qua.
“Nhiều người cho rằng việc tiết giảm lãi suất cho vay khó nhưng có thể được nếu nhà nước điều chỉnh giảm dự trữ bắt buộc, tiết giảm đồng loạt 1% cho dự trữ bắt buộc bằng VNĐ và 3% cho dự trữ ngoại tệ. Đồng thời, giảm phát hành trái phiếu chính phủ để giảm áp lực lãi suất. Đề nghị đẩy nhanh cơ chế tái cấp vốn và cấp bù lãi suất. Hiện nay chúng tôi được tái cấp vốn rất thấp và rất ít…” - ông Hà kiến nghị.
Với tinh thần này, trong khi chờ chính phủ có điều chỉnh, từ hôm nay BIDV điều chỉnh giảm lãi suất ngắn hạn 0,5%/năm, lãi vay trung và dài hạn không quá 10%./năm. Ngay với xử lý nợ xấu, từ 3 năm nay DN chờ hơn 3 năm vẫ chưa có nghị định về thị trường mua bán nợ gây khó khăn cho cả ngân hàng và DN trong quá trình xử lý nợ xấu.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP ô tô Trường Hải, cho rằng chỉ có thể cạnh tranh và thành công khi DN mạnh và nền kinh tế mạnh. Cạnh tranh lành mạnh và hợp tác với nhau để mạnh lên. Nền kinh tế Việt Nam hiện còn nhỏ và yếu nhiều mặt. Giai đoạn năm 2007-2008 và sau đó là năm 2011- 2013 DN đã có những sai lầm, chủ quan trong chiến lược kinh doanh. “Hội nhập đang cận kề, nhiều thách thức, nếu DN không hoàn thành thì thế hệ đi sau rất khó tiếp nối sự nghiệp. Cần đề cao đạo đức kinh doanh, văn hóa DN và rất mong nhà nước làm tốt vai trò định hướng, kiến tạo” – ông Dương đề xuất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin, quá trình hội nhập sâu buộc nền kinh tế phải chấp nhận nhiều dòng thuế giảm nên Trường Hải cần chủ động đầu tư 30 nhà máy sản xuất ô tô với tỉ lệ nội địa hóa cao để cạnh tranh. Chủ động hội nhập rất quan trọng với DN Việt Nam, nếu không thua ngay trên sân nhà.
Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. Các sản phẩm nông nghiệp rất đa dạng phong phú, Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nếu mở rộng thị trường và phát triển công nghệ, bí quyết liên quan nông nghiệp. Nhật Bản đã rất thành công trong việc ứng dụng công nghệ, bí quyết vào nông nghiệp và mong muốn hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam. Cụ thể là công nghệ truy suất nguồn gốc, rất mong muốn tìm cơ hội hợp tác với DN nông nghiệp Việt Nam.
“Hãy coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ”
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet, kiến nghị ngành hàng không mới mở cửa nên còn nhiều định kiến nên rất mong nhận được sự ủng hộ, tháo gỡ trong các cơ chế điều hành từ như cảng vụ, sân bay, hải quan, an ninh, xuất nhập khẩu, kiểm dịch… để hoạt động của DN thuận lợi hơn.
Trong suốt thời gian qua, toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, bảo dưỡng sửa chữa tàu bay đều phải phụ thuộc vào các đơn vị khác, khiến hoạt động của DN hàng không chưa thật sự thuận lợi. “Với tư cách những người sử dụng sân bay, nhà ga Chính phủ nên cho phép các hãng hàng không tham gia vào xây dựng, cải tạo hạ tầng quy hoạch nhà ga, sân bay, đồng thời tư nhân hóa giao thông vận tải…” - bà Thảo kiến nghị.
Nói về môi trường kinh doanh bình đẳng, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, mong muốn cơ quan quản lý hãy coi DN là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý. Nếu có môi trường tốt thì DN Việt Nam cũng phát triển tốt không kém gì DN trên thế giới. Về các kiến nghị liên quan đến Luật DN, bà Liên cho rằng cần sớm ban hành thông tư mới để các DN niêm yết có thể thực hiện. Về thủ tục đăng ký kinh doanh cần mở rộng thêm, nên giảm thủ tục hành chính cho DN trong việc đăng ký thủ tục ngành nghề. Về giấy phép con nên bỏ ngay các quy định không hợp lý. Những quy định cơ chế, thông tư, nghị định đã được DN thực hiện tốt thì không nên thay đổi.
Về ngành dệt may, đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam đề nghị Bộ Công thương cần nhanh chóng quy hoạch lại ngành dệt may với tầm nhìn đến năm 2035-2040, bởi quy hoạch trước đó đã không còn phù hợp. Xây dựng chiến lược quy hoạch ngành gắn với quy hoạch tập trung các khu công nghiệp và vấn đề xử lý nước thải.
Dù năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 27,4 tỉ USD nhưng DN trong ngành đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Như việc nhiều DN may chỉ có 400 lao động nhưng cơ quan chức năng đề nghị lập nhà máy xử lý nước thải lên đến mấy tỉ đồng như nhà máy dệt là không phù hợp. Đề nghị luật môi trường nên sửa đổi. Hiện đang có nhiều khách hàng chuyển đơn hàng sang Myanmar để được hưởng ưu đãi vào Mỹ, châu Âu, trong khi TPP, FTA với EU chưa có hiệu lực…
“Các chính sách liên quan đến kiểm tra vải thắt chặt DN quá mức đến mức không chịu nổi, 1 mét vải mang về VN cũng phải đem kiểm mẫu. Có 1 DN quý 1 có đến 138 lần đi kiểm mẫu vải, rất tốn kém và mất thời gian” – đại diện hiệp hội dệt may bức xúc. Chưa hết, cũng theo hiệp hội này, đề nghị việc triển khai các chính sách của cơ quan nhà nước đối với DN cần đồng bộ, chỉ một DN nhỏ mà mỗi quý đón 3-4 đoàn kiểm tra của thuế, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường…
Bình luận (0)