Chiều nay 2-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 - Ảnh: Huy Thanh
Người đứng đầu Chính phủ cùng lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, các bộ, ngành và địa phương tham dự phiên toàn thể, đối thoại với gần 2.500 doanh nghiệp tư nhân để góp phần tháo gỡ các rào cản, nút thắt để phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Phát biểu khai mạc phiên toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước là xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. "Doanh nghiệp tư nhân đang tạo ra khoảng hơn 42% GDP, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường và được người dân tin tưởng"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 - Ảnh: Huy Thanh
Người đứng đầu Chính phủ tiếp tục khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, cần kích hoạt để khu vực này phát triển và đóng góp hơn nữa. Tại diễn đàn này, với sự tham gia của lãnh đạo các bộ ngành, địa phương và 2.500 doanh nghiệp, Thủ tướng mong muốn đưa ra các giải pháp để doanh nghiệp quy mô nhỏ có thể vươn ra thế giới, hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có thể tạo lợi thế cho bản thân và xã hội.
Với đại diện gần 2.500 doanh nghiệp tham gia diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là những người tiên phong, những đại diện này sẽ đưa ra các đề xuất tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân hơn nữa.
Thủ tướng nhấn mạnh cần tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực vốn, công nghệ, thị trường cho khu vực kinh tế tư nhân. "Chúng ta đang đặt vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chống độc quyền danh nghiệp, cũng là mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân phát triển bình đẳng đối với các thành phần kinh tế khác"- Thủ tướng nói.
Trong những năm gần đây, Chính phủ đã thảo luận với các doanh nghiệp trẻ về đổi mới sáng tạo. Ở nước ta, đã có phong trào khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, bước đầu thành công, nhưng chưa phải mạnh mẽ. Trong năm tới, Chính phủ và Thủ tướng sẽ có quyết sách về khởi nghiệp sáng tạo để đổi mới mạnh mẽ hơn.
Theo Thủ tướng, nền kinh tế chúng ta có nhiều cơ hội cho các thế hệ khởi nghiệp thành công, là nền kinh tế hội nhập nhanh, phát triển mạnh. "Tạo nên một thể chế, nhân lực, thị trường để tạo điều kiện cho khởi nghiệp" - Thủ tướng cho hay.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân tham dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 với tư cách khách mời
Tại phiên này, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân tham dự với tư cách khách mời. Tại phiên đối thoại, khu vực kinh tế tư nhân có kiến nghị, trao đổi trực tiếp với người làm chính sách ở các lĩnh vực chính như nông nghiệp, kinh tế số, du lịch và khơi thông dòng vốn trung - dài hạn cho phát triển kinh tế.
Tại các phiên đối thoại và thảo luận, các hiệp hội ngành nghề như dệt may, da giày, logistics, hàng không... cũng đóng góp ý kiến để thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân từ thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các đại biểu là chuyên gia kinh tế nước ngoài, đại diện cho các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới sẽ chia sẻ kinh nghiệm nhằm tìm ra hướng đi cho các doanh nghiệp Việt.
Sáng cùng ngày 2-5, 6 phiên thảo luận chuyên đề về du lịch, nông nghiệp, kinh tế số, thị trường vốn, khởi nghiệp đã diễn ra với nhiều nội dung quan trọng. Các nội dung này sẽ được tổng hợp, đưa ra báo cáo tại phiên toàn thể vào chiều cùng ngày.
Theo báo cáo 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp trên 40% GDP của nền kinh tế và có dấu hiệu tăng lên nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến năm 2018, ước tính kinh tế tư nhân đóng góp 42,1% GDP của nền kinh tế và có dấu hiệu tăng lên.
Năm 2019, số lao động đang làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân chiếm 83,3% tổng số lao động đang làm việc của cả nước, tương đương gần 45,2 triệu người (năm 2017: 44,9 triệu người).
Trong 2 năm 2017-2018, vốn đầu tư của kinh tế tư nhân tăng trưởng lần lượt 17,1% và 18,5% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng của tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 11-12%/năm). Theo đó, tỉ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh và đã vượt mức 40%.
Kinh tế tư nhân huy động nguồn vốn lớn trong xã hội cho phát triển kinh tế. Cụ thể, trong 2 năm 2017-2018, số doanh nghiệp thành lập mới có tổng số vốn đăng ký là 2,77 triệu tỉ đồng.
Đóng góp vào thu ngân sách nhà nước của kinh tế tư nhân ngày càng lớn. Từ năm 2016 trở về trước, thu ngân sách nhà nước từ hoạt động sản xuất kinh doanh của kinh tế tư nhân chỉ chiếm tỉ trọng dưới 30% tổng thu từ sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, thấp hơn cả tỉ trọng của doanh nghiệp nhà nước (thấp hơn đến 11%) và tỉ trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, đến năm 2018 thì tỉ trọng này của kinh tế tư nhân đã vượt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và vượt xa (gần 9%) khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đóng góp vào tăng thu ngân sách nhà nước cho thấy sự phát triển của kinh tế tư nhân đã phát huy vai trò đối với việc củng cố nền tài chính quốc gia.
Bình luận (0)