Ngoài việc phải “chiến đấu” với thép Trung Quốc giá rẻ, các doanh nghiệp (DN) trong nước đang phải lo cạnh tranh bởi những doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với nhiều ưu đãi khi cấp phép.
Thừa và thiếu
Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy tổng khối lượng thép xây dựng và tiêu thụ trong quý I/2016 đạt trên 2 triệu tấn, tăng hơn 55% so với cùng kỳ năm 2015. Thép tiêu thụ tăng là do giá nguyên liệu sản xuất thế giới tăng, nhu cầu thị trường trong nước tốt, đặc biệt là tâm lý đầu cơ của các nhà thương mại sau khi có quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu Việt Nam hiệu lực từ ngày 22-3.
Tuy nhiên, sự hồi phục này có thể chỉ mang tính chất tạm thời. Bởi lẽ, giai đoạn 2013-2015, khi lượng phôi thép rẻ từ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam đã khiến các DN trong nước lao đao. VSA phải nghĩ tới việc đề xuất cơ quan quản lý áp thuế nhập khẩu.
Việc áp mức thuế tạm thời hiện nay không thể là “thuốc chữa bệnh” lâu dài vì các DN thép trong nước vẫn không chịu cắt giảm sản lượng để giữ vững thị phần. Trong khi đó, nguồn cung thép giá rẻ từ Trung Quốc cũng như các nước vẫn ồ ạt vào Việt Nam. Nhất là vào năm 2018, khi thuế nhập khẩu thép hợp kim về 0% càng tăng thêm lợi thế giá thấp của thép Trung Quốc. Chưa kể, khi các dự án thép của nước ngoài đầu tư đi vào hoạt động sẽ khiến sản lượng thép nội địa tăng lên chóng mặt.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật đúc - luyện kim Việt Nam, cho biết hiện nay Việt Nam có 5 sản phẩm thép luyện kim cơ bản: thép dài, thép ống, thép tráng tôn, mạ kẽm, cán nguội. Các sản phẩm này đều dư thừa 2-3 lần so với nhu cầu, sản lượng khoảng 15 triệu tấn. Nhu cầu sử dụng chỉ 7 triệu tấn nên các nhà máy đang vận hành dưới công suất thiết kế.
Chính điều này khiến các DN trong nước căng thẳng, cạnh tranh lẫn nhau ngay cả trong nội địa. Ông Cường từng rất khổ sở khi xử lý về tình trạng này lúc còn làm ở VSA. “Nếu thừa thép mà đi xuất khẩu giá thấp sẽ bị kiện, chống bán phá giá” - ông lưu ý.
Thị trường khó khăn, trong khi nguồn tài chính có hạn, các DN phải vay mượn khiến giá thành tăng và lãng phí công sức đầu tư. Điều đáng nói là các loại thép khác như thép chế tạo máy, cơ khí, hợp kim thì chúng ta lại chưa có, phải nhập 6-7 tỉ USD. Điều này làm cho ngành thép mỗi năm nhập siêu ít nhất 4-5 tỉ USD.
Lộn xộn cấp phép
Một chuyên gia am tường về ngành thép cho rằng thời gian qua, nhiều dự án thép công suất lớn được cấp phép nhưng không triển khai, do không đủ năng lực, ì ạch kéo dài nhiều năm.
Một số nhà máy đã bị rút giấy phép nhưng vẫn còn các nhà máy dù không triển khai vẫn xin nâng công suất. Ví dụ, Nhà máy Thép Guang Lian Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) của liên doanh Tycoon và E- United (Đài Loan); dự án Liên hợp thép Hà Tĩnh và cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Formosa (Đài Loan) đầu tư tại Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh) đang xây dựng kế hoạch công suất giai đoạn 2 tăng thêm 7,5 triệu tấn/năm; dự án Liên hợp thép Cà Ná của Tập đoàn Lion (Malaysia) công suất 14,42 triệu tấn/năm, cấp phép từ năm 2007 nhưng không triển khai và đã bị rút giấy phép... Ngoài ra, còn nhiều dự án thép của các DN trong nước cũng đang trong tình trạng dở dang suốt nhiều năm qua.
Theo ông Phạm Chí Cường, cơ quan quản lý cần xem xét lại tính khả thi khi cấp phép cho các dự án. Chính phủ cần dựa trên cơ sở uy tín và năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm của nhà đầu tư, từ đó tạo thuận lợi cấp giấy phép cho những dự án tốt, có tính khả thi và thu hồi giấy phép những dự án không tiềm năng. Bởi lẽ, các dự án thép liên hợp chỉ có thể thành công khi chủ đầu tư là những công ty có kinh nghiệm với nguồn lực tài chính lớn và công nghệ sản xuất thép hàng đầu.
“Công suất của các nhà máy thép tại Việt Nam đã vượt xa nhu cầu. Hàng chục nhà máy nếu được cấp phép và thực hiện đúng công suất thì tổng công suất khoảng 50 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu trong nước chỉ trên dưới 15 triệu tấn và thị trường xuất khẩu chưa mấy khả quan thì lượng tồn chắc chắn sẽ tăng lên” - ông Cường nhận định.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA, cho rằng quy hoạch phát triển ngành thép thời gian qua có nhiều bất cập, đã có tình trạng cấp phép tràn lan. Vì thế, cần điều chỉnh lại trong thời gian tới. Trước đây, chỉ cần DN có thể tự cung tự cấp nguyên liệu sản xuất, tự chủ nguyên liệu là được cấp phép mà không xem xét các yếu tố dư thừa.
Nhưng với tầm nhìn 3-5 năm hay 10 năm tới sẽ khác. Khi cấp phép cho dự án, lẽ ra phải có báo cáo nghiên cứu khả thi, phân tích thị trường, sản phẩm công nghệ, hiệu quả kinh tế, tác động môi trường... nhưng tại nhiều dự án lại không có, điển hình như Formosa.
Chưa kể, khi biên soạn đề án Quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt, kinh tế lúc ấy đang phát triển tốt, thương mại thế giới không tự do hóa. Trong khi đó, đầu tàu kinh tế thế giới hiện nay đã thay đổi. Vì vậy, cần sớm có một đề án mới, nếu không điều chỉnh quy hoạch thì sẽ tác hại đến kết quả sản xuất - kinh doanh của DN ngành thép.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật đúc - luyện kim Việt Nam:
Có quy hoạch nhưng không làm đúng
Việc cạnh tranh trong ngành thép phải nói đến giá và chất lượng. Nếu giá thành khó cạnh tranh khi hội nhập, quy hoạch loạn dễ dẫn đến môi trường bị ảnh hưởng. Chính vì thế, cần phải quy hoạch lại chứ không phải ở đâu cũng cho phép đầu tư. Không thể vì con số FDI vọt lên trong phút chốc mà vui sướng, như dự án của Formosa ở Hà Tĩnh, thì rất khó kiểm soát.
Ở Thái Lan, họ chỉ kêu gọi những ngành luyện kim tiên tiến, chấm điểm và chọn rất kỹ về năng lực, kinh nghiệm chứ không chỉ chọn những DN “dẻo mồm” hay quan hệ giỏi. Lẽ ra, chúng ta phải có hội đồng đánh giá thiệt hơn, phân tích lợi ích, tiến bộ kỹ thuật, kinh nghiệm tài chính của DN chứ không phải chấp nhận bừa bãi. Tôi biết có trường hợp DN bé tí xin cấp phép rồi bán lại dự án, họ môi giới kiếm 5% giá trị dự án ngon lành.
TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR):
Sai lầm quy hoạch
Có 2 vấn đề mà ngành thép đang mắc phải, đó là bắt nguồn từ nền tảng nhận định còn lệch lạc của ngành điện giá thấp bất thường so với khu vực và tinh thần hỗ trợ các DN quá nhiều. Lúc ấy, nhà đầu tư đã thấy cơ hội và nắm lấy ngay. Trong khi đó, ở một số nước, việc cấp phép đầu tư vào ngành thép là không dễ vì luyện kim tốn nhiều năng lượng của quốc gia, đặc biệt là tổn hại rất lớn về môi trường với các chất xả thải từ những nhà máy này.
Khuynh hướng trước đây là mở cửa cho ngành tiêu thụ năng lượng, trong đó có ngành thép. Các địa phương lại bắt chước nhau, kêu gọi đầu tư tràn lan mà không dự báo được nhu cầu thế giới đi xuống. Điển hình là khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc, lượng thép dư thừa đã ảnh hưởng nặng nề không chỉ cho các DN mà còn cả thị trường chung.
Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Tổng Công ty Thép Việt (Pomina):
Đi ngược xu hướng thế giới
Thời gian qua, chúng ta đã đi ngược với xu thế của thế giới. Thế giới đi theo hướng tái tạo nguyên liệu, công nghệ hiện đại thì chúng ta đi hỗ trợ, ưu tiên cho DN sản xuất thép dùng quặng nhiều. Các quốc gia tiên tiến có nhiều quặng nhưng họ vẫn sản xuất thép từ các loại thép tái chế. Họ bán quặng qua Trung Quốc để gìn giữ môi trường.
Trong khi đó, Việt Nam lại áp thuế xuất khẩu quặng rất cao, đến 40%. Điều này vô hình trung khuyến khích dùng quặng để sản xuất thép ngay trong nước, làm ảnh hưởng lớn đến môi trường. Hiện nay, lượng cung thép đang vượt cầu. Mức thuế xuất quặng phổ biến ở các nước cũng chỉ từ 5%-15%.
Phạm Đình ghi
Bình luận (0)