Khi ban hành Nghị quyết 01 vào đầu năm 2021, Chính phủ xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5% (cao hơn mức 6% Quốc hội giao). Theo đó, tăng trưởng quý I là 5,12%, quý II 7,11%, 6 tháng đầu năm 6,22%.
Không lâu sau, tăng trưởng thực tế quý I chỉ đạt 4,48%, kịch bản được cập nhật lại với chỉ số quý II phải đạt 7,19% và 6 tháng đầu năm đạt 5,92%. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế vẫn chỉ dừng ở 5,64%, thấp hơn kịch bản điều chỉnh.
Con đường trúc trắc
Tình hình trên buộc Chính phủ phải một lần nữa điều chỉnh kịch bản linh hoạt hơn với tinh thần chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tức là vẫn ở mức 6% theo Quốc hội giao và quyết tâm của Chính phủ là 6,5%. Theo tính toán, để đạt tăng trưởng kinh tế 6%, quý III cần đạt mức tăng trưởng 6,2%, quý IV 6,5%. Còn với mục tiêu 6,5%, quý III phải đạt tăng trưởng 7% và quý IV là 7,5%.
Nhìn vào diễn biến hiện tại của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được kiểm soát và sẽ ảnh hưởng tới kinh tế trong quý III, những con số trên là thách thức cực kỳ lớn với Chính phủ.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá tăng trưởng GDP quý II đạt 6,61% và 6 tháng đầu năm nay đạt 5,64% là mức rất khá so với tốc độ tăng trưởng 0,39% của quý II và 1,82% của 6 tháng đầu năm ngoái. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, tăng trưởng nửa đầu năm nay vẫn thấp bởi tốc độ tăng trưởng này được tính trên nền tăng trưởng cực thấp của năm ngoái - thời điểm nền kinh tế bị sốc trước sự xuất hiện của dịch bệnh chưa từng thấy.
"Đà phục hồi của nền kinh tế vẫn đang diễn ra nhưng con đường còn nhiều trúc trắc khi dịch Covid-19 có xu hướng tấn công vào các trung tâm sản xuất, khu công nghiệp quan trọng" - TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhận xét.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty CP Quốc tế Phong Phú Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo TS Võ Trí Thành, trong quá trình hồi phục, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt rất nhiều vấn đề như khan hiếm nguồn cung; năng lực logistics, hậu cần, vận tải chưa đáp ứng được quá trình phục hồi kinh tế; lạm phát có xu hướng tăng... Trong khi đó, quá trình phục hồi sau dịch tại các khu vực sản xuất lớn của miền Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang còn chưa có kết quả rõ rệt thì hàng hoạt trung tâm sản xuất lớn khác ở phía Nam như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đang chật vật ứng phó với dịch.
Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực nhìn nhận từ nay đến cuối năm, tăng trưởng GDP có thể theo kịch bản cơ sở 6,1%-6,3%, thấp hơn dự báo của một số tổ chức quốc tế. Mặc dù các tổ chức vẫn có cái nhìn khá lạc quan với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhưng các đợt dịch liên tiếp đã tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực, khiến khả năng đạt tăng trưởng 6,5% như mục tiêu Chính phủ đề ra là cực kỳ khó khăn, còn chỉ tiêu 6% Quốc hội giao vẫn có thể đạt được. Đặc biệt, ông Lực lưu ý không chủ quan với lạm phát, chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền tảng cho kinh tế năm tới.
Dư địa vẫn còn
Trong báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2021, Công ty Chứng khoán Mirae Asset đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay từ mức 6,9% xuống 6,5% trước tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4. Tuy hạ dự báo song công ty này tỏ ra tin tưởng vào hàng loạt yếu tố được cho là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm.
Ông Lê Quang Minh, Giám đốc phân tích Mirae Asset, nhận định làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 sẽ sớm được kiểm soát trong tháng 7 này và trạng thái miễn dịch cộng đồng sẽ đạt sớm nhất vào đầu năm 2022; các hiệp định thương mại tự do và sự phục hồi kinh tế của các đối tác thương mại lớn là động lực chính trong việc thúc đẩy xuất khẩu; hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu dần hồi phục nhờ các khu công nghiệp hoạt động trở lại; giải ngân vốn đầu tư công kỳ vọng được đẩy mạnh hơn vào các tháng cuối năm nay và đầu năm sau; dòng vốn đầu tư nước ngoài dự báo sẽ tăng sau khi các đối tác chính của Việt Nam dần kiểm soát được dịch Covid-19 và tái khởi động xúc tiến đầu tư...
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), nhận định việc Chính phủ chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng hoàn toàn không phải là động thái "phiêu lưu" mà có cơ sở thực tế. Theo ông Độ, cơ hội cho tăng trưởng kinh tế vẫn còn khá nhiều nên không nhất thiết phải điều chỉnh chỉ tiêu.
"Việc cần làm hiện nay là dồn sức cho việc chống dịch. Trong 1 tháng tới, nếu đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 được dập hoàn toàn, cơ hội cho tăng trưởng kinh tế là rất lớn. Trừ khi hết quý III, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp mới ảnh hưởng mạnh đến các chỉ tiêu vĩ mô quan trọng.
Thực tế, kinh tế các nước vẫn đang hồi phục và phát triển tốt do triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 hiệu quả, nhờ đó xuất khẩu của Việt Nam cơ bản ổn định. Đầu tư công được Chính phủ quan tâm đẩy mạnh, từ đó thúc đẩy chi tiêu công và đưa dự án, công trình vào vận hành. Tiêu dùng và đầu tư tư nhân hiện tại khá yếu song khi dịch bệnh qua đi, chắc chắn tiêu dùng sẽ tăng trở lại, hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất cũng sẽ được tái khởi động" - ông Độ tin tưởng.
Ông Nguyễn Đức Độ cũng đánh giá cao việc Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 đầu năm 2022. Điều này cho thấy Chính phủ kiên định thực hiện mục tiêu kép "vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội".
Trong 9 giải pháp được đưa ra, ông cho rằng việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã được thực hiện từ năm ngoái và có ý nghĩa lớn trong việc duy trì tăng trưởng dương cho nền kinh tế. Do vậy, cùng với 2 trụ cột khác là xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, năm nay Chính phủ vẫn cần quyết liệt hơn nữa trong việc tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai các dự án công.
Sản xuất, bán lẻ tiếp tục bị ảnh hưởng
Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6 của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra lưu ý thời gian tới, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của sản xuất công nghiệp và bán lẻ vì cả hai ngành này đều có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4. Nếu đợt bùng phát này không được nhanh chóng ngăn chặn, Chính phủ có thể cần xem xét áp dụng chính sách tài khóa thích ứng hơn để hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch và kích thích nhu cầu trong nước. "Mặc dù nền kinh tế dường như đã phát triển tương đối tốt trước đợt bùng phát dịch thứ 4 nhưng một số dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế sẽ chậm lại nếu đại dịch không được kiểm soát trong ngắn hạn. Đã xuất hiện một số áp lực lên chuỗi giá trị của các ngành chiến lược như điện tử và xây dựng. Vị thế kinh tế đối ngoại của Việt Nam cũng có thể bị giảm nhẹ" - WB cảnh báo.
"Chìa khóa" vắc-xin Covid-19
GS Trần Thọ Đạt, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nhận định đại dịch đã tạo ra những thách thức kinh tế đáng kể từ đầu năm 2020 trên toàn thế giới, gây ra một cuộc suy thoái ngắn nhưng độ dốc rất lớn. Việc phát triển nhanh chóng các loại vắc-xin có mức độ miễn dịch cao đối với Covid-19 đóng vai trò quan trọng nhất trong đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. "Vắc-xin Covid-19 là cơ hội để giảm chi tiêu của Chính phủ trong việc truy vết, điều trị và kiểm soát dịch bệnh và đang tạo ra sự thay đổi kinh tế lớn hơn nhiều so với các vắc-xin trước đây. Tốc độ phục hồi nền kinh tế sẽ phụ thuộc và có mối quan hệ chặt chẽ với với tiến độ triển khai vắc-xin. Tốc độ tiêm chủng của Việt Nam hiện nay chậm hơn so với nhiều nước. Đợt bùng phát dịch thứ 4 rất lớn và phức tạp, với số ca mắc chiếm đến hơn 60% trong tổng cộng hơn 10.000 ca bệnh tính đến nay. Trong bối cảnh mới này, chỉ có đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin Covid-19 mới là giải pháp căn cơ, mang tính quyết định quá trình phục hồi kinh tế một cách vững chắc, đồng thời sớm tận dụng được các cơ hội để duy trì và thúc đẩy các động lực tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư khi các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ" - GS Trần Thọ Đạt nêu quan điểm.
Bình luận (0)