Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 19 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12-10.
VNĐ và nhân dân tệ đều được
Theo thông tư này, đồng tiền được dùng thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc của thương nhân sẽ là VNĐ, nhân dân tệ của Trung Quốc (CNY) và ngoại tệ tự do chuyển đổi. Đồng tiền thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của cư dân biên giới và tại chợ biên giới là VNĐ hoặc nhân dân tệ.
Hàng hóa Việt Nam chuẩn bị đưa qua cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn để bán sang Trung Quốc Ảnh: LÊ PHONG
Phương thức thanh toán của thương nhân có thể là qua NH thương mại; thanh toán tiền mặt bằng VNĐ hoặc CNY; sử dụng tài khoản thanh toán bằng CNY tại chi nhánh NH biên giới đối với thương nhân Việt Nam hoặc sử dụng tài khoản thanh toán bằng VNĐ tại chi nhánh NH biên giới đối với thương nhân Trung Quốc.
Chẳng hạn, với phương thức thanh toán tiền mặt bằng VNĐ hoặc CNY, thương nhân Việt Nam sẽ được thu VNĐ hoặc CNY tiền mặt từ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo quy định về hoạt động thương mại biên giới và nộp vào tài khoản thanh toán mở tại chi nhánh NH biên giới (kèm theo các chứng từ theo quy định).
Đại diện NHNN cho biết Thông tư 19 được ban hành nhằm hướng dẫn thực hiện Nghị định 14/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới và thay thế Quyết định 689/2004/QĐ-NHNN (tháng 6-2004) về quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc.
Thực tế, cơ chế thanh toán biên mậu Việt Nam - Trung Quốc đã được triển khai từ năm 2004 trên cơ sở quy định tại Quyết định 689, góp phần thúc đẩy thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, theo NHNN, quá trình thực hiện Quyết định 689 đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập. Tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị định 14 giao trách nhiệm cho NHNN hướng dẫn triển khai thực hiện về thanh toán trong hoạt động thương mại biên giới.
Trước đây, theo Hiệp định Thanh toán giữa 2 nước Việt Nam - Trung Quốc và quy định tại Quyết định 689, việc thanh toán bằng đồng CNY chỉ được thực hiện qua các NH tại khu vực biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Việt - Trung.
Tuy nhiên, thực tiễn đã phát sinh trường hợp các NH thương mại, chi nhánh NH nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối tại Việt Nam nhưng không có chi nhánh ở biên giới để cung cấp dịch vụ thanh toán bằng CNY cho một số doanh nghiệp (DN) nội địa hoạt động thương mại biên giới. Hoặc có trường hợp NH có chi nhánh ở biên giới nhưng không thể thực hiện việc cung cấp dịch vụ thanh toán bằng đồng CNY cho khách hàng…
Do đó, Thông tư 19 đã bổ sung quy định về hoạt động ủy thác thanh toán bằng đồng CNY giữa các NH được phép và hoạt động thanh toán bằng đồng CNY trong hệ thống NH được phép có chi nhánh NH biên giới.
Kiểm soát chặt chẽ các giao dịch ngoại tệ
Theo NHNN, việc ban hành Thông tư 19 là cần thiết nhằm mục tiêu thúc đẩy thanh toán biên mậu, tạo thuận lợi cho người dân Việt Nam và Trung Quốc trong giao thương, thực hiện tốt hơn việc quản lý nhà nước về ngoại hối ở khu vực 7 tỉnh có chung đường biên giới 2 nước. "Những thay đổi trong chính sách thanh toán đối với hoạt động thương mại biên giới tại Thông tư 19 cũng góp phần thực thi chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hạn chế buôn lậu, gian lận thương mại" - đại diện NHNN cho biết.
Phó tổng giám đốc phụ trách ngoại hối một NH cổ phần nhìn nhận việc NHNN có quy định rõ ràng, tạo hành lang pháp lý sẽ góp phần tạo thuận lợi hơn cho các NH thương mại trong hoạt động giao dịch, thanh toán ở biên giới.
Tổng giám đốc một DN thực phẩm có hoạt động xuất khẩu với thị trường Trung Quốc đánh giá việc tạo cơ sở, hành lang pháp lý cho việc thanh toán thương mại ở biên giới sẽ hỗ trợ DN xuất nhập khẩu và thương nhân 2 nước. Khi đó, các DN sẽ thanh toán trực tiếp bằng VNĐ và CNY mà không phải thông qua một đồng tiền tự do chuyển đổi khác, nên không bị tác động bởi biến động của các đồng tiền này làm ảnh hưởng giá thành sản phẩm.
Thông tư 19 cũng quy định cụ thể trách nhiệm của NHNN chi nhánh tỉnh biên giới, NH thương mại cũng như của cá nhân, thương nhân và tổ chức khác nhằm giám sát, quản lý chặt chẽ, có hiệu quả đối với hoạt động quản lý ngoại hối trong thương mại biên giới Việt - Trung.
Cụ thể, NHNN chi nhánh tỉnh biên giới phải thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động thanh toán trong thương mại biên giới giữa 2 nước, trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm sẽ xử lý theo thẩm quyền. Với các NH được phép, cần bảo đảm việc cung ứng dịch vụ ngoại hối đúng mục đích, phù hợp quy định, niêm yết công khai tỉ giá mua bán giữa đồng CNY và VNĐ...
Bình luận (0)