Ngày 16-9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một cán bộ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho hay thông tin Mỹ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra, basa Việt Nam chỉ là một thông tin "thường niên", hoạt động xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn diễn ra bình thường và đang tăng trưởng tốt.
Trước đó, vào ngày 7-9, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành Kết luận cuối cùng đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá (CBPG) lần thứ 18 (POR18) cho giai đoạn từ ngày 1-8- 2020 đến ngày 31-7-2021 đối với cá tra của Việt Nam. Theo đó, DOC đã giữ nguyên mức thuế CBPG đang áp dụng đối với từng công ty căn cứ vào kết quả của các đợt rà soát gần nhất là năm ngoái và mức thuế suất toàn quốc vẫn là 2,39 USD/kg.
Bộ Công Thương cho biết DOC đang tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát thuế CBPG lần thứ 19 (POR19) cho giai đoạn từ ngày 1-8-2021 đến ngày 31-7-2022 đối với cá tra, basa Việt Nam. Hiệi tại, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam và phía Mỹ theo dõi, cập nhật thông tin để xử lý các vấn đề liên quan nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trong vụ việc.
Vĩnh Hoàn là một trong những công ty đang xuất khẩu mạnh cá tra sang Mỹ
Cục Phòng vệ thương mại cũng thông tin thêm, mặc dù bị áp thuế CBPG từ năm 2003 đến nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cá tra, basa lớn của Việt Nam như: Vĩnh Hoàn, Biển Đông, Nam Việt, Nha Trang Seafoods,… vẫn duy trì được mức thuế CBPG 0 USD/kg qua các kỳ rà soát để tiếp tục xuất khẩu vào thị trường lớn như Mỹ.
Theo VASEP, Mỹ là thị trường nhập khẩu cá tra, cá basa lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc) với kim ngạch 428 triệu USD trong 8 tháng đầu năm, tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 25% thị phần.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gò Đàng (Tiền Giang), cho hay Mỹ là thị trường lớn, hấp dẫn nên công ty đang có kế hoạch quay lại thị trường bằng việc chuẩn bị thuê luật sư chuyên về thuế CBPG và làm các thủ tục để có thể hưởng mức thuế suất 0 USD/kg.
"Chỉ khi nào doanh nghiệp có thuế suất 0 USD/kg hoặc sát mức này thì mới có khả năng cạnh tranh. Còn hiện tại dù là doanh nghiệp được phép xuất khẩu cá tra sang Mỹ nhưng chỉ xuất khẩu được các mặt hàng cá tra còn xương như: cá tra cắt khúc, cá tra nguyên con còn mặt hàng chủ lực là cá tra phi-lê thì chưa xuất khẩu được" – ông Đạo nói.
Ai phải chịu thuế 2,39 USD/kg?
Mức thuế 2,39 USD/kg áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phi-lê vào Mỹ, trừ các doanh nghiệp có mức thuế riêng rẽ. Mức thuế riêng rẽ có thể thấp hơn, hoặc cao hơn thuế suất toàn quốc.
Để có mức thuế riêng rẽ, các doanh nghiệp phải thực hiện quy trình để chứng minh việc không bán phá giá. Quy trình này rất phức tạp, buộc doanh nghiệp phải tốn nhiều chi phí thuê luật sư giỏi để tư vấn và thực hiện đầy đủ các thủ tục mà DOC yêu cầu.
Bình luận (0)