Hiện nay, thuế nhập khẩu mặt hàng xăng đang là 18%, trong khi barem cho phép là 20%. Chính vì thuế suất vẫn đang thấp hơn mức trần nên Bộ Tài chính chưa cân nhắc tới phương án điều chỉnh giảm thuế trong giai đoạn hiện nay.

Trước đó, ngày 7-7, Liên Bộ Tài chính- Công Thương đã quyết định tăng giá xăng dầu. Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, trong một tháng qua, giá xăng dầu thế giới liên tục biến động và tăng ở mức cao. Nếu tính bình quân 30 ngày lên đến hơn 122 USD/thùng, nên sau khi cân nhắc mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ.
Việc điều chỉnh này là hoàn toàn phù hợp với Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 234/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính về kinh doanh xăng dầu. Việc điều hành giá xăng dầu trong nước thực hiện theo phương châm chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia thị trường, hài hòa giữa việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều chỉnh giá bán lẻ ở mức kiềm chế phù hợp với mặt bằng giá cơ sở theo chu kỳ tính giá.
Ông Tuấn cũng cho hay nếu không sử dụng Quỹ Bình ổn giá thì mức độ tăng giá vừa qua sẽ cao hơn nhiều, tăng 918 đồng nhưng vì sử dụng Quỹ Bình ổn giá 500 đồng nên giá xăng chỉ tăng 418 đồng. Bên cạnh đó, chu kỳ tính giá vừa qua là phù hợp. Theo quy định, chu kỳ tính giá là 10 ngày và chu kỳ lưu thông là 30 ngày. Do vậy, tính từ lần tăng giá ngày 23-6 đến 7-7 đã là hơn 10 ngày nên việc xem xét tính giá mới là phù hợp.
Trong 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu thế giới biến động phức tạp với xu hướng tăng hoặc đứng ở mức cao là chủ yếu. Để góp phần bình ổn giá bán trong nước, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu một cách linh hoạt theo cơ chế thị trường đồng thời sử dụng các công cụ tài chính (sử dụng Quỹ Bình ổn giá hoặc chưa tính đủ lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở) nhằm hạn chế mức tăng giá; khi có dư địa giảm giá, Liên Bộ đã yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối rà soát để giảm giá bán trong nước cho phù hợp. 6 tháng đầu năm, giá xăng, dầu trong nước cơ bản được giữ ổn định hoặc giảm (giá dầu diezen: giảm 5 lần; dầu hỏa: giảm 3 lần; madut: giảm 4 lần) trong 9 lần điều hành.
Tính đến 7-7, giá xăng được được điều chỉnh tăng 5 nhưng hầu hết có mức tăng kiềm chế do kết hợp sử dụng Quỹ Bình ổn giá hoặc giảm một phần lợi nhuận định mức của DN.
Bình luận (0)