Ngày 27-8, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước giao dịch ở mức 23.130 đồng/USD. Nếu tính từ đầu năm đến nay, tỉ giá trung tâm tăng hơn 300 đồng/USD, tương đương mức tăng 1,33%.
Dù cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung liên tục có những diễn biến mới theo hướng căng thẳng hơn, tác động đến thị trường tài chính quốc tế, giá USD trong ngân hàng lại khá ổn định, khi được giao dịch quanh mức 23.140 đồng/USD mua vào, 23.260 đồng/USD bán ra. Tính từ đầu năm đến nay, giá USD ngân hàng gần như không thay đổi khi chỉ tăng thêm 5 đồng/USD.
Trong báo cáo đánh giá nhanh về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tới thị trường kinh tế Việt Nam và toàn cầu nói chung vừa công bố, TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nhận xét thương chiến Mỹ - Trung diễn biến khó lường với mức độ ngày càng gia tăng kể từ tháng 3-2018 đến nay.
Đến ngày 23-8, căng thẳng thương mại giữa 2 nước này được đẩy lên nấc cao mới khi 2 bên tuyên bố sẽ áp mức thuế quan cao hơn để trả đũa lẫn nhau. Dù đến 26-8, cuộc chiến thương mại có hy vọng về sự xuống thang khi 2 bên dự kiến nối lại đàm phán…
Giá USD ở các ngân hàng gần như không thay đổi so với giá hồi đầu năm. Ảnh: Linh Anh
Tuy vậy, diễn biến vẫn rất khó lường và có thể lan rộng sang các lĩnh vực khác như công nghệ, đất hiếm, tài chính… Cuộc thương chiến còn tác động tiêu cực đến đầu tư, gián đoạn chuỗi cung ứng nếu Mỹ rút doanh nghiệp khỏi Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa bằng một số công cụ khác như đánh thuế tiếp đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ còn lại, hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ, giảm nhập khẩu xăng dầu từ Mỹ.
Cuộc thương chiến đã và đang làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu; gây ra gián đoạn, trì hoãn sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp FDI ở những nơi tham gia chuỗi, trong đó có Việt Nam. Bộ phận nghiên cứu của Citibank nhận định Việt Nam, Thái Lan và Hàn Quốc chịu ảnh hưởng khá lớn trong rủi ro chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tác động mạnh đến tỉ giá của hầu hết các nước. Từ đầu năm 2019 đến nay, xu hướng giảm giá của hầu hết các đồng tiền so với USD vẫn tiếp diễn (ngoại trừ một số đồng tiền như Yên Nhật, Bath Thái, Rúp Nga), nhất là đồng tiền các nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.
"Trong bối cảnh đó, VNĐ được đánh giá là tương đối ổn định, biến động rất ít từ đầu năm đến nay. Ở Việt Nam, mức độ tác động tới thị trường tài chính ít hơn nhưng vẫn còn quá sớm để đưa ra nhận định, dự báo đầy đủ. Dù vậy, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp cũng cần tỉnh táo để không xoáy vào chiến tranh tiền tệ; điều chỉnh cách thức can thiệp thị trường ngoại hối phù hợp nhằm tránh bị cho là thao túng tiền tệ" - TS Cấn Văn Lực nhận xét.
Đồng thời, Việt Nam cũng cần chú trọng tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, bằng cách quan tâm đẩy nhanh tái cơ cấu, phối hợp hài hòa chính sách tiền tệ và tài khóa, đẩy nhanh xử lý nợ xấu, giảm mạnh nợ nước ngoài và thâm hụt ngân sách, tăng dự trữ ngoại hối và kiểm soát dòng vốn đầu tư…
Bình luận (0)