Hơn một tháng qua, lão nông Võ Văn Bảy ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy - Hậu Giang rầu rĩ vì lúa đã thu hoạch nhưng không bán được. Gia đình ông thu hoạch 5 công lúa OM 4088 được khoảng 3 tấn, gặp mưa dầm không phơi được nên lúa bị ẩm. Ông Bảy cho biết: “Thương lái nhiều lần đến trả giá nhưng thấp quá, gia đình không bán. Với giá hiện nay, vụ này chắc chắn gia đình tôi bị lỗ”. Ông Bảy phải liên hệ với mấy hộ nuôi vịt đẻ để bán giá 3.000 đồng/kg lúa mà cũng chẳng ai chịu mua.
Ông Nguyễn Minh So ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp - Hậu Giang thu hoạch 10 công lúa IR 5040 bán cũng chẳng được. “Thương lái trả chỉ 2.600 - 2.800 đồng/kg nên tôi không bán. Vụ này, nếu tính hết chi phí, gia đình tôi may lắm là huề vốn”.
Tại Đồng Tháp, ông Lê Văn Ngọc, ngụ ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung, cho biết giá loại lúa hạt dài chỉ còn khoảng 3.650 - 3.700 đồng/kg, song khi tới xem, thương lái tìm mọi cách chê bai để chèn ép. “Kêu năm lần bảy lượt thương lái mới chịu tới coi lúa, coi rồi lại chê ỏng chê eo để ép giá. Tôi kẹt quá phải bấm bụng bán cho họ; còn nhiều người khác có vốn thì trữ lúa lại, đợi được giá mới bán”, ông Ngọc bức xúc.
Bà Lê Thị Ngưng ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình - Đồng Tháp cũng chờ thương lái để bán lúa mấy ngày qua nhưng vẫn chưa được. “Vợ chồng tôi bỏ công ăn việc làm thay nhau ngồi canh ghe mua lúa. Kêu cả chục ghe thì chỉ vài chiếc ghé lại coi, sau đó đi tuốt mà chẳng hề ra giá một tiếng”, bà Ngưng rầu rĩ.
Năm nay, tổng sản lượng lúa hè thu của Hậu Giang khoảng 300.000 tấn, song đến nay, Công ty CP Lương thực Hậu Giang chỉ thu mua được 25.000 tấn.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Lương thực Hậu Giang, cho biết: “Giá thu mua lúa hàng hóa của công ty từ 3.800 đồng - 3.900 đồng/kg, song lúa phải tốt và nông dân phải vận chuyển đến tận xí nghiệp của công ty”. Hiện công ty này có xí nghiệp trực tiếp thu mua lúa tại Long Mỹ và thị xã Vị Thanh nhưng số lượng vẫn rất thấp. Ông Minh cho rằng do nông dân chủ yếu bán lúa qua thương lái, sau đó thương lái mới bán lại cho công ty nên rất ít người được giá 3.800 đồng/kg như quy định.
Tại Cần Thơ, hầu hết các doanh nghiệp và thương lái hiện đã không còn thu mua lúa gạo do không có đầu ra. Anh Nguyễn Thiện Khánh, chủ một cơ sở xay xát lúa gạo ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, cho biết: “Ngoài nguyên nhân không có đầu ra, chất lượng lúa lại không tốt do ảnh hưởng mưa gió nên phần lớn doanh nghiệp đều không “ăn” hàng, nếu mua thì rất kén chọn”.
Doanh nghiệp - nông dân chưa gặp nhau Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, cho biết lúa hè thu còn tồn đọng trong dân rất lớn do rớt giá. Ngành NN-PTNT tỉnh đang chỉ đạo thu mua hết lúa tồn trữ, song các doanh nghiệp (DN) vẫn mua với số lượng rất hạn chế. Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ, sở dĩ lâu nay nông dân ĐBSCL và cả nước nói chung vẫn gặp tình cảnh đến mùa không bán được lúa là do DN và nông dân chưa gặp nhau mà thường phải qua trung gian là thương lái; đồng thời hệ thống giao thông để vận chuyển lúa gạo thường bị ách tắc vào mùa thu hoạch rộ. Nhiều nơi, nông dân còn thiếu kho dự trữ. Ông Quỳnh đề xuất: “Để giải quyết bài toán đầu ra cho lúa gạo, theo tôi, trước mắt phải tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng cho nông thôn. Trong đó, hệ thống thủy lợi phải được quy hoạch hướng tới những vùng có diện tích trồng lúa quy mô lớn. Ngoài ra, phải khắc phục được chất lượng hạt lúa do nhận thức của một bộ phận nông dân còn hạn chế, cộng với tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ”. |
Bình luận (0)