Chị Nguyễn Thị Bích Phương (ngụ thôn Mỹ Phú 2, xã An Hiệp, huyện Tuy An – Phú Yên) cùng hai con cào dắt trên đầm Ô Loan
Nhà nhà làm… thợ săn rùa
Thợ săn rùa Lê Ngọc Quang (ngụ xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa) cho chúng tôi theo chân vào tận xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) để bẫy rùa. Anh thắc mắc: “Không biết họ mua để làm gì mà giá cao như vậy? Ở đây có người trúng cả trăm triệu đồng nhờ săn rùa”. Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm đến những cái tên được cho là trúng hàng trăm triệu đồng nhờ săn rùa như Hai Tuấn, Tư Trung… thì được biết đó chỉ là tin đồn. “Làm gì có. Đúng là trước đây rùa sống rất nhiều ở vùng sình lầy của các huyện miền núi nhưng khi giá còn rẻ, vài trăm ngàn đồng/kg, người ta đã đổ xô đi bắt hết rồi. Giờ giá cao, còn rùa nữa đâu mà bắt”. Ông Phạm Ngọc Hoàng (ngụ thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh), người được đồn trúng đậm nhờ săn rùa, cho biết.
Một đầu nậu mua bán rùa ở phường Phú Lâm - TP Tuy Hòa cho biết sau khi thu mua từ các nơi về, rùa được đóng thùng rất kỹ và vận chuyển ra Hà Nội để bán lại cho một tư thương, sau đó được xuất lậu sang Trung Quốc. Giống rùa đang săn bắt ở Phú Yên thuộc nhóm IIB, ghi trong Sách đỏ IUCN (năm 2005) cấp CR (cực kỳ nguy cấp). Năm 2006, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 32 về bảo vệ các loài động vật hoang dã tại Việt Nam, trong đó rùa Trung Bộ nằm trong danh sách những loài động vật được bảo vệ, cấm mua bán, trao đổi hay tiêu thụ. Tuy nhiên, ông Hoàng cho biết người dân chẳng cần biết điều đó, miễn có giá cao là họ đổ xô đi săn.
Bỏ ruộng, bỏ rẫy
Không chỉ săn rùa, hơn một tháng nay, hàng trăm người dân ở xã An Hiệp, huyện Tuy An cũng đua nhau xuống đầm Ô Loan để cào dắt (một loại nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, sống ở nước lợ). Trước đây, loài đặc sản này có giá thấp, chỉ 4.000 đồng/kg, được người dân mua về làm mắm hoặc thức ăn cho tôm hùm nhưng từ khi có thương lái về mua xuất sang Trung Quốc, giá dắt liên tục được đội lên, từ 15.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg và hiện nay là 25.000 đồng/kg. Người dân ở một số thôn bán sơn địa như Mỹ Phú 2, Tuy Dương cũng bỏ ruộng, bỏ rẫy đi cào dắt. “Một ngày, ba mẹ con tôi cào được hơn 7 kg, bán được gần 180.000 đồng, làm nông làm sao bằng” - chị Nguyễn Thị Bích Phương (35 tuổi, ngụ thôn Mỹ Phú 2) cho biết. Những ngày cao điểm, chỉ riêng ở xã An Hiệp đã có cả tấn dắt được thương lái thu gom và dùng xe đông lạnh chở ra Bắc để xuất sang Trung Quốc.
Người dân ở đây không cần biết các thương lái mua dắt xuất sang Trung Quốc để làm gì, cứ mua giá cao là họ đổ xô đi cào. Với việc ồ ạt cào dắt như hiện nay, không chỉ làm loài đặc sản này “sạch bóng” ở đầm Ô Loan mà còn gây nguy cơ hủy diệt hàng loạt loài thủy sản khác như sò huyết, hàu, tôm, cua xanh…
Phá vỡ quy hoạch cây trồng
Việc tranh mua sắn khô giữa các tư thương với sắn tươi ở các nhà máy sắn của tỉnh Phú Yên đã từng diễn ra nhưng chưa bao giờ quyết liệt như năm nay. Đầu vụ, khi các nhà máy sắn Đồng Xuân, Sông Hinh đưa ra giá 1.800 đồng/kg sắn tươi 30 chữ bột thì các thương lái liền đưa ra giá mua sắn lát khô là 4.000 đồng/kg, buộc các nhà máy phải nâng giá lên 2.200 đồng/kg. Ngay sau đó, thương lái mua giá sắn khô 5.200 đồng/kg, các nhà máy sắn chỉ đưa giá lên 2.500 đồng/kg thì dừng lại vì không cạnh tranh nổi.
Ông Huỳnh Văn Đồng, Giám đốc Nhà máy sắn Đồng Xuân, than thở: “Chưa năm nào nhà máy phải kết thúc vụ sản xuất sớm như năm nay, chỉ mới giữa tháng 5 đã phải đóng máy vì không còn nguyên liệu. Mỗi khi có tàu vào cảng Quy Nhơn chuẩn bị nhập sắn lát khô xuất sang Trung Quốc là chúng tôi lo lắng vì thương lái cạnh tranh không lành mạnh”. Với vùng nguyên liệu quy hoạch cho nhà máy trên 5.000 ha sắn, trong khi công suất nhà máy chỉ 285 tấn/ngày, ông Đồng dự kiến phải đến ngày 15-6 mới kết thúc vụ sản xuất nhưng đã phải đóng máy trước một tháng. Với tư thương, không chịu chi phí đầu tư ban đầu nên sẵn sàng mua giá cao hơn nhà máy. Trong khi đó, mặc dù đã ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm với nhà máy nhưng người trồng sắn sẵn sàng xắt lát phơi khô bán cho tư thương để có lợi hơn. Bà Sô H’Điêu (ngụ buôn Ma Lưng, xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa) năm nay trồng hơn 3 ha sắn, mặc dù đã ký hợp đồng với Nhà máy sắn Đồng Xuân nhưng chỉ bán cho nhà máy 1 ha, còn lại bà thuê người xắt lát phơi khô, bán cho tư thương. “Người dân làm ra sản phẩm khổ lắm, ai mua giá cao thì bán thôi” - bà Sô H’Điêu nói.
Xóa sổ hơn 66 ha rừng tự nhiên Hiện diện tích sắn toàn tỉnh Phú Yên đã lên trên 14.000 ha, trong khi quy hoạch của tỉnh cho loại cây trồng này không vượt quá 7.000 ha. Theo số liệu của ngành lâm nghiệp tỉnh Phú Yên, từ đầu năm đến nay, có trên 200 vụ phá rừng trồng sắn với hơn 66 ha rừng tự nhiên bị xóa sổ. “Tình trạng phá rừng tự nhiên, rừng trồng cây lâm nghiệp để trồng sắn đang diễn ra phức tạp ở các vùng rừng rộng lớn trên địa bàn huyện chúng tôi” - ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết. |
Kỳ tới: Thuê đất trồng khoai
Bình luận (0)