TP HCM vừa vinh danh một số tác giả của 8 sáng chế tiêu biểu TP nhằm thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, tiến bộ khoa học và công nghệ cũng như thúc đẩy gia tăng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích đối với các đầu tư nghiên cứu và sáng tạo; tạo cơ hội và khả năng xúc tiến thương mại các kết quả đầu tư sáng tạo.
Thiết thực đi vào đời sống
Gặp chúng tôi tại xưởng nghiên cứu của mình, PGS-TS Trần Doãn Sơn (Khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa TP HCM) - tác giả của 3 sáng chế vừa đoạt giải nhì, ba và khuyến khích trong "Giải thưởng sáng chế TP HCM năm 2019-2020", cho biết ngoài 3 sáng chế này, ông còn 6 sản phẩm đã được cấp bằng sáng chế. Một số sản phẩm đã được chuyển giao cho doanh nghiệp (DN) sản xuất hoặc bán ra nước ngoài.
"Sản phẩm đầu tiên được cấp bằng sáng chế vào năm 2002 là "Thiết bị và quy trình hấp hạt điều bằng hơi bão hòa" giúp hạt điều được tạo ra không những không bị hao hụt mà còn đạt nâng suất cao. Đến nay, đã có hơn 10 nhà máy sản xuất và chế biến hạt điều ở Việt Nam và thế giới sử dụng công nghệ hấp bằng hơi bão hòa" - PGS-TS Sơn kể.
Sau sáng chế này, ông cùng đội ngũ cộng sự, học trò tiếp tục mày mò nghiên cứu và cho ra đời thiết bị làm bánh phở tươi nhằm thay thế phương thức sản xuất thủ công, nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng và vệ sinh thực phẩm. Sau đó, công trình "Thiết bị sản xuất bún bao gồm cơ cấu ép đùn bột nước" vừa nhận giải nhì Giải thưởng Sáng chế TP HCM năm 2020 và được chuyển giao cho 9 DN cả trong và ngoài nước (Mỹ, Hàn Quốc, Lào), sắp tới sẽ xuất khẩu sang châu Âu.
PGS-TS Trần Doãn Sơn hướng dẫn sinh viên thực hành tại xưởng
Mặc dù đã thương mại hóa thành công hầu hết sáng chế nhưng ông Sơn vẫn trăn trở làm sao các công trình nghiên cứu khoa học đi vào cuộc sống nhiều hơn, thuận lợi hơn. "Các nghiên cứu, sáng chế của trường đại học là đề tài cấp Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ hoặc nhà trường và được tài trợ kinh phí thực hiện.
Nếu là công trình của trường, sau khi hoàn thành, được cấp chứng nhận sẽ bàn giao cho nhà trường và là tài sản của nhà trường, mọi giao dịch mua bán, chuyển giao sáng chế để đưa vào ứng dụng đều thông qua chủ sở hữu là nhà trường" - ông Sơn nêu và cho biết thêm, tình trạng chung là hầu hết trường đại học tập trung vào công tác đào tạo, chưa mạnh ở khâu liên kết với DN để thương mại hóa công trình nghiên cứu khoa học hay phát minh, sáng chế. Kết quả là không ít nghiên cứu sau khi đã được cấp chứng nhận thì… trùm mền để đó hoặc phục vụ công tác giảng dạy.
Câu chuyện tăng cường liên kết giữa 3 nhà: nhà quản lý - nhà khoa học - nhà DN để đưa ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất - kinh doanh, từ đó cải thiện năng lực cạnh tranh của DN đã được đề cập từ nhiều năm nay nhưng đến nay mối liên kết vẫn hết sức lỏng lẻo. Nguyên nhân, theo các DN, một phần là do trình độ công nghệ của các nhà khoa học tại các trường, viện còn hạn chế, nặng về lý thuyết và không theo kịp tốc độ phát triển của thị trường sản phẩm khoa học - công nghệ nên thiếu DN đặt hàng.
Một thực trạng khác là phần lớn DN mang tư duy làm ăn chụp giật, chưa sẵn sàng bỏ tiền ra mua sáng chế mà sao chép mẫu mã, công nghệ để… giảm chi phí. "Có DN chỉ mua 1 máy của chúng tôi về "chế" ra 70 máy tương tự. Chúng tôi phát hiện, đến làm việc với họ nhưng không giải quyết được gì" - giảng viên một trường đại học kể.
Tìm đầu ra cho sản phẩm nghiên cứu
Theo các nhà khoa học, điều mong mỏi lớn nhất là các sáng chế được chuyển giao cho khách hàng, qua đó tạo đầu ra cho các sản phẩm nghiên cứu. Năm 2019, Việt Nam có 1.128 đơn sáng chế được đăng ký, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, các sáng chế do các trường, viện thực hiện chiếm số lượng đáng kể. Mặc dù vậy, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện các trường đại học, viện nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo hộ, đăng ký hoặc thương mại hóa các nghiên cứu khoa học được công bố của mình.
Thời gian qua, đã có một số trường triển khai hoạt động sở hữu trí tuệ, bắt đầu thành lập bộ phận chuyên trách về sở hữu trí tuệ nhưng hoạt động vẫn còn lúng túng. Và, để đưa kết quả nghiên cứu khoa học trở thành sản phẩm, dịch vụ thương mại trên thị trường và kết nối với DN, chuyên gia... cần sự nỗ lực, tham gia của nhiều cơ quan, bộ, ngành; trong đó lĩnh vực sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi các hoạt động nghiên cứu - xác lập quyền - chuyển nhượng quyền - thương mại hóa.
Cũng liên quan đến việc thương mại hóa sáng chế, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB (trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM), cho rằng trước hết cần làm rõ sáng chế do Việt Nam cấp chứng nhận có vi phạm bản quyền sáng chế thế giới không, có được quốc tế công nhận không?
Kế đến, dưới góc độ thị trường, trước khi được cấp bằng sáng chế thì phải công bố, có tổ chức đánh giá tính khả thi của sáng chế gồm phổ thị trường, điều kiện triển khai, khả năng sản xuất quy mô công nghiệp… nhằm làm rõ sáng chế này có thương mại được không. Sau khi đánh giá xong thì mới làm thủ tục để cấp bằng. "Hiện Việt Nam còn để trống các bước này, dẫn đến tình trạng có thể sáng chế hay nhưng khó tìm thiết bị để sản xuất đại trà hoặc không thể thương mại hóa" - ông Tước nêu thực tế.
Cần "sân chơi" cho nghiên cứu khoa học
Theo ông Huỳnh Kim Tước, cần tách bạch yếu tố giá trị sáng tạo và giá trị thị trường trong sáng chế, tuyệt đối không được nhầm lẫn giữa chuyển giao sáng tạo với hàng hóa công nghiệp. Đến nay, hầu hết các sản phẩm sáng chế phát triển theo 3 hướng: một là tạo ra các công ty start-up để phát triển sáng chế, hai là ủy thác cho các tổ chức chuyển giao công nghệ để xúc tiến chuyển giao công nghệ và ba là hợp tác để phát triển sáng chế.
PGS-TS Trần Doãn Sơn thì cho rằng cần có sân chơi riêng cho các sản phẩm nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho nhà khoa học với DN gặp nhau. Chẳng hạn, hằng năm, TP HCM có thể tổ chức hội chợ sáng chế để các chủ sở hữu/nhóm nghiên cứu sáng chế trưng bày sản phẩm, tìm kiếm khách hàng là các DN sản xuất máy móc cơ khí hoặc DN sản xuất.
Bình luận (0)