Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, trong đó có đề xuất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đối với đề xuất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thường trực Chính phủ thống nhất về sự cần thiết sửa đổi, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; bảo đảm huy động hợp lý nguồn lực cho ngân sách nhà nước và phù hợp Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
Đội ngũ phát triển game của một nhà phát hành game trong nước. Ảnh: Thuận Thắng
Về các chính sách, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, bổ sung thêm cơ sở khoa học và thực tiễn của đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế để tăng tính thuyết phục.
Nghiên cứu kỹ đề xuất thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá mới và thiết bị điện tử của sản phẩm thuốc lá mới nhằm bảo đảm thống nhất với luật chuyên ngành và thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam.
Trước mắt, chưa đưa kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (game online) vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, sử dụng hiệu quả các công cụ pháp lý (như cấp giấy phép, sử dụng mã định danh cá nhân người dùng…) nhằm khắc phục, kiểm soát mặt hạn chế của game online.
Trước đó, tại hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi, điều chỉnh quan trọng, sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp có mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật và người tiêu dùng. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất đưa dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (game online) vào diện chịu thuế tiêu thục đặc biệt.
Theo Bộ Tài chính, ngành game online đã có sự tăng trưởng trong những năm gần đây với doanh số trên 11.000 tỉ đồng/năm. Bộ Tài chính cho rằng việc đưa game online vào nhóm đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là để định hướng tiêu dùng, nhất là đối với thanh thiếu niên, cũng như mở rộng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo đề nghị cần có nghiên cứu, đánh giá tác động thêm và đề xuất chưa đưa game online vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Nêu quan điểm chưa nên đưa game online vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, đại diện Liên minh Các nhà sản xuất và phát hành trò chơi điện tử trên mạng Việt Nam, nhận xét ngành game có nhiều tiềm năng, được nhiều quốc gia trên thế giới xem là một trong những trụ cột của kinh tế số. "Game cùng với thương mại điện tử đã tác động mạnh đến việc thanh toán không sử dụng tiền mặt ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam" - ông cho biết.
Mặt khác, nhiều năm qua, doanh nghiệp phát triển game trong nước phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các tập đoàn game và công nghệ toàn cầu, dần mất đi sức cạnh tranh ngay trên chính sân nhà. Ông Nghĩa dẫn thống kê của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy hiện nay, có chưa đến 20 doanh nghiệp game Việt Nam còn hoạt động thường xuyên trong tổng số hơn 200 doanh nghiệp đã đăng ký.
"Đến nay, chưa có quốc gia nào trên thế giới áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngành game. Một số nước áp dụng cơ chế kiểm soát về nội dung hoặc thời gian chơi game tương tự Việt Nam (điển hình là Trung Quốc, Hàn Quốc), còn sử dụng công cụ thuế thì chưa có tiền lệ" - ông Nghĩa dẫn chứng.
Nêu kiến nghị đến cơ quan soạn thảo dự luật, ông Trần Phương Huy, Giám đốc VTC Intecom, cho rằng có nhiều phương án điều chỉnh hành vi người tiêu dùng để áp dụng ở Việt Nam mà không cần đến công cụ thuế tiêu thụ đặc biệt.
Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online, theo ông, sẽ triệt tiêu các doanh nghiệp làm ăn chân chính trong nước, vô hình trung tạo điều kiện cho DN xuyên biên giới hoạt động trái phép, gây thất thu thuế và nội dung không được kiểm soát.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng nhấn mạnh cần đánh giá tác động nhiều chiều về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với game online.
Bình luận (0)