Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết xuất khẩu thủy sản năm 2016 do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức chiều 19-1 tại TP HCM.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, năm 2016, Việt Nam xuất khẩu thủy sản đi 161 thị trường với kim ngạch khoảng 7,053 tỉ USD, tăng 7,4% so với năm 2015. Trong đó, tôm vẫn mang lại giá trị xuất khẩu cao nhất ngành, đạt 3,13 tỉ USD (chiếm tỉ lệ 44%) về giá trị; cá tra đứng thứ 2 (24%), thu về 1,67 tỉ USD.
Đặc biệt, cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đến 89%, kim ngạch 305 triệu USD; tôm tăng 23%, kim ngạch đạt 431 triệu USD. Dù vậy, đại diện VASEP nhận định Trung Quốc là thị trường không ổn định, nhiều rủi ro nhưng do nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu lớn nên đây vẫn là thị trường có sức hút.
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị về khả năng ngành cá tra sẽ đi vào “bẫy” thương lái Trung Quốc như nhiều loại nông sản khác như dưa hấu, heo hơi, cá sấu,… ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Thủy sản Hùng Vương, cho rằng cá tra khác hẳn các loại nông sản khác. Ông Minh tỏ ra lạc quan cho biết với đà tăng trưởng như hiện nay, đồng thời dự báo năm 2017, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, trở thành nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. “Phải thẳng thắn thừa nhận rằng 20 năm xuất khẩu cá tra đi Mỹ, EU, sản phẩm của chúng ta chủ yếu chỉ là phi-lê đông lạnh. Trong khi đó, với nền ẩm thực lâu đời của mình, các đầu bếp Trung Quốc đã chế biến cá tra thành 10 món khác nhau và 4 món đã có trong thực đơn thường xuyên của các nhà hàng và bán giá gấp 10 lần giá mua, kích thích các nhà nhập khẩu. Tại Trung Quốc, cá tra cạnh tranh với cá chép nhưng ưu thế hơn là không có xương dăm, phù hợp với người già, trẻ em và phù hợp với túi tiền. Trung Quốc là thị trường lớn, người dân ngày càng chuộng thủy sản, đặc biệt là thủy sản nhập khẩu” - ông Minh nói.
Đối với mặt hàng tôm, Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ tôm sú lớn nhất, chiếm tỉ lệ đến 58%. Do vậy, Trung Quốc đang là thị trường tiềm năng khi các thị trường truyền thống sụt giảm.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về chất lượng thủy sản xuất khẩu năm 2016, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), nhận xét tình hình tồn dư hóa chất, kháng sinh có cải thiện, số cảnh báo từ EU có giảm so với năm trước. Dù vậy, EU vẫn đánh giá tỉ lệ tồn dư như vậy là cao, họ yêu cầu phía Việt Nam cần có biện pháp quản lý hiệu quả hơn đồng thời sẽ tổ chức đoàn kiểm tra tận nơi trong năm 2017. Với thị trường Nhật, kiểm soát thủy sản nhập khẩu đang rất ngặt nghèo, chỉ cần phát hiện một lô hàng bị nhiễm, tần suất kiểm tra là 30%, lô thứ 2 sẽ tăng lên 100% trong khi kiểm tra ngẫu nhiên theo xác suất chỉ dưới 5%. Về nguyên nhân, ông Tiệp cho rằng trong nước vẫn chưa quản lý lý tốt thuốc thú y dẫn đến tồn dư hóa chất, kháng sinh cũng như các nước tăng rào cản kỹ thuật.
Thiếu nguyên liệu sẽ càng trầm trọng
Năm 2017, lần đầu tiên ngành cá tra phải đối mặt với việc thiếu nguyên liệu khi có đến 50% ao nuôi đang bỏ trống, không chỉ nông dân mà doanh nghiệp cũng giảm nuôi. Tình trạng thiếu nguyên liệu không phải cục bộ mà cả năm nên các doanh nghiệp phải đối phó bằng cách chuyển sang mặt hàng khác để giữ lao động.
Bình luận (0)