Phóng viên: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa công bố các chỉ số kinh tế khá tốt và có thể tăng lãi suất vào giữa tháng 9-2015. Nếu điều này xảy ra sẽ tác động thế nào đến thị trường tiền tệ?
- PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Tính từ tháng 9-2014 đến nay, nhiều đồng tiền trên thế giới đã giảm giá mạnh so với USD. Cụ thể, đồng yen (Nhật Bản) giảm 18,5%, nhân dân tệ (Trung Quốc) giảm 4%, đồng baht (Thái Lan) giảm 11,6%, ringgit (Malaysia) giảm 31,3%, đồng peso (Philippines) giảm 6,7%... và VNĐ giảm 7,6%. Như thế, thị trường đã đi trước dự báo FED tăng lãi suất USD. Giả sử Mỹ tăng lãi suất 0,25%, không đạt kỳ vọng của giới đầu tư là 0,5%, thì chưa chắc USD đã tăng giá, thậm chí có thể giảm giá.
Hiện nay, kinh tế Mỹ phục hồi chưa bền vững, số người thất nghiệp vẫn ở mức 5,3% trong khi mục tiêu là 5% chưa thực hiện được. Vả lại, do kinh tế Trung Quốc và toàn cầu phục hồi chưa vững chắc nên từ nay đến cuối năm 2015, FED chưa đủ liều lượng để tăng mạnh lãi suất. Nếu FED có tăng nhẹ lãi suất thì trước đó, các quốc gia đã tiêu hóa thông tin vào tỉ giá. Do đó, việc FED tăng lãi suất không ảnh hưởng nhiều đến thị trường tiền tệ thế giới.
Tại Việt Nam, tỉ giá liên ngân hàng (NH) đã tăng 1%, biên độ tỉ giá được nới rộng, tức NH Nhà nước đã có dự trù cho tình huống FED tăng lãi suất. Còn trường hợp Mỹ không tăng lãi suất thì NH Nhà nước vẫn đủ khả năng bình ổn tỉ giá nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Từ đầu năm 2015 đến nay, tỉ giá liên NH đã tăng 3%, biên độ tỉ giá cũng tăng từ 1% lên 3%. Liệu từ nay đến cuối năm, tỉ giá có tiếp tục điều chỉnh không?
- Theo tôi, điều này rất khó xảy ra. Bởi lẽ, cán cân thanh toán tổng thể củaViệt Nam vẫn thặng dư, dự trữ ngoại tệ đủ lớn để can thiệp thị trường. Biên độ 3% đã bảo đảm linh hoạt tỉ giá, đặc biệt mục tiêu ban đầu của NH Nhà nước là chỉ điều chỉnh tỉ giá 2% nhưng nay đã vọt lên 3%. Vì thế, Việt Nam không thể giảm giá thêm tiền đồng.
Một quốc gia chủ động giảm giá đồng tiền của mình phải lường trước rất nhiều hậu quả. Khi đồng tiền mất giá là uy tín quốc gia bị hạ thấp, người dân mất niềm tin vào bản tệ, thị trường chứng khoán thường chao đảo, nhu cầu ngoại tệ tăng ảo, tạo áp lực lên tỉ giá, gây sức ép đến lạm phát làm cho đồng tiền thêm mất giá… Vì thế, các quốc gia chỉ sử dụng công cụ phá giá đồng tiền khi có những tác nhân bên ngoài buộc nước đó phải tự vệ.
Nói như ông, trong một năm qua, VNĐ đã giảm giá 7,6% so với USD có ảnh hưởng đến vốn đầu tư nước ngoài, dòng tiền tiết kiệm có thể chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác?
- Do USD đã tăng giá quá nhiều so với nhiều ngoại tệ nên chúng ta không lo ngại nhà đầu tư chạy từ quốc gia này đến quốc gia khác. Bởi lẽ, dòng vốn nước ngoài thường đến với các quốc gia có kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, không quan tâm nhiều đến giá trị đồng tiền nước đó tăng hay giảm, nhất là trong bối cảnh tỉ giá đã được cân bằng trên toàn cầu
Từ năm 2012 đến nay, việc nắm giữ VNĐ vẫn có lợi và an toàn. Người dân chuyển dịch VNĐ sang vàng, USD có thể đối mặt với nhiều rủi ro. Chênh lệch giá mua vào, bán ra của vàng, USD là rất lớn; nhất là giá vàng trong nước luôn cao hơn giá thế giới 2-4 triệu đồng/lượng; giao dịch vàng, USD phải tuân theo quy định của pháp luật. Do đó, việc gửi tiền NH vẫn là kênh sinh lời an toàn nhất.
Tuy VNĐ giảm giá so với USD nhưng lãi suất tiền gửi không giảm, tức người giữ VNĐ đã được cân bằng lợi ích. Hiện nay, lạm phát của Việt Nam ổn định ở mức thấp 1%, lãi suất tiền gửi cao hơn rất nhiều so với lạm phát. Do đó, người dân gửi tiết kiệm vẫn hưởng được lãi suất thực dương.
Riêng chứng khoán và bất động sản vẫn là 2 kênh đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần phải có sự hiểu biết về chứng khoán và thị trường nhà đất thì mới tham gia được. Còn người đã về hưu thì “nhảy” vô chứng khoán làm chi, nên gửi tiền tiết kiệm là phù hợp nhất!
TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia:
Tác động không nhiều đến lạm phát
Sau đợt điều chỉnh tỉ giá vào ngày 12-8, hiện tượng dịch chuyển tài sản từ đồng nội tệ sang ngoại tệ bắt đầu tăng lên, không có lợi cho nền kinh tế. Vì vậy, để tránh tâm lý chờ NH Nhà nước điều chỉnh tỉ giá vào dịp Mỹ tăng lãi suất, có thể dẫn đến hiện tượng găm giữ ngoại tệ, dịch chuyển tài sản nên ngày 19-8, NH Nhà nước tiếp tục điều chỉnh tỉ giá với mức độ khá lớn và nhiều khả năng duy trì tỉ giá này đến hết quý I/2016.
Khi tỉ giá tăng 1% sẽ làm cho lạm phát trong ngắn hạn tăng 0,13%. Như thế, việc tăng tỉ giá 2,5%-3% sẽ làm cho lạm phát cả năm tăng không đáng kể, chỉ khoảng 0,3%. Tỉ giá tăng đồng nghĩa xuất khẩu sẽ có lợi. Nếu xuất khẩu tăng lên, nhập khẩu giảm và thâm hụt thương mại giảm thì GDP sẽ tăng lên. Vì thế, 2 đợt điều chỉnh tỉ giá vừa qua có ý nghĩa tích cực phục hồi kinh tế Việt Nam.
Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:
Nên ứng phó theo tín hiệu thị trường
Biện pháp mở rộng biên độ tỉ giá và giảm giá VNĐ vừa qua là bước đi đúng hướng, chủ động của NH Nhà nước sau khi đánh giá các yếu tố bên ngoài và đã tính đến các tình huống có thể xảy ra trong thời gian tới, như việc FED rút gói nới lỏng định lượng. Như vậy, NH Nhà nước đã chuẩn bị cho cơ chế tỉ giá, sẵn sàng ứng phó với các tình huống sắp tới theo hướng linh hoạt hơn.
Vấn đề quan trọng là NH Nhà nước cần tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của các điều chỉnh chính sách vừa qua đối với kinh tế vĩ mô, lòng tin của công chúng cũng như theo dõi các cú sốc từ bên ngoài có thể xảy ra, chẳng hạn diễn biến của đồng nhân dân tệ; chủ động và có biện pháp ứng phó kịp thời theo như cách thức đang làm hiện nay để các yếu tố thị trường đóng vai trò quan trọng hơn.
Th.Mai ghi
Phòng thủ từ xa
Theo các ngân hàng (NH) thương mại, cung cầu ngoại tệ trong những ngày gần đây hoàn toàn phụ thuộc vào động thái của NH Nhà nước. Trước và sau khi biên độ tỉ giá được nới rộng từ 1% lên 2% vào ngày 12-8, nhu cầu USD rất lớn, đặc biệt là nhu cầu hoán đổi VNĐ sang ngoại tệ để chuyển lợi nhuận về nước từ giới đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, các tổ chức, cá nhân đang nắm giữ ngoại tệ lại phòng thủ với kỳ vọng tỉ giá sẽ có những diễn biến mới và không bán ra khiến cung cầu USD không gặp nhau.
Trước tình hình đó, NH Nhà nước mạnh tay bán USD ra thị trường, đồng thời tăng tỉ giá liên NH thêm 1%, từ 21.673 đồng lên 21.890 đồng/USD; biên độ giao dịch cũng được nới rộng từ 2% lên 3% vào ngày 19-8. Lập tức, doanh nghiệp ồ ạt bán ngoại tệ khiến cung cầu USD gặp nhau làm cho giá bán ngoại tệ tại các NH xoay quanh mức 22.380 - 22.450 đồng/USD, thấp hơn giá trần 97 đồng/USD. Thị trường ngoại tệ cũng đã tìm được mức cân bằng mới, điều mà NH Nhà nước đã dự tính và mong muốn.
Thế nhưng, đến ngày 20-8, nguồn cung USD từ NH Nhà nước tạm ngưng - được biểu hiện qua giá bán của NH Nhà nước là 22.475 đồng/USD, trong khi giá mua vào của các NH thương mại chỉ 22.320 đồng/USD. Từ đó, giá bán ngoại tệ tại các NH thương mại tăng 90 - 100 đồng/USD, cán mức 22.545 đồng/USD.
Thực tế cho thấy lâu nay, doanh nghiệp luôn phòng thủ tỉ giá biến động bằng cách mua bán USD kỳ hạn. Ví dụ, bên mua xác định được thời điểm nhập khẩu hàng hóa, tiến hành thỏa thuận với NH mức giá tại ngày 21-8 là 22.450 đồng/USD, cộng thêm một biên độ nhất định, tính ra sẽ lên tới 22.500 đồng nhưng đến ngày 30-8 mới thực hiện giao dịch. Nếu tại thời điểm này, tỉ giá leo lên mức trần 22.547 đồng/USD thì bên mua đã giảm thiểu được rủi ro. Tương tự, bên bán USD cũng có thể thực hiện giao dịch kỳ hạn theo hướng ngược lại.
Tuy nhiên, do trước ngày 12-8, biên độ tỉ giá chỉ 1% nên việc doanh nghiệp giao dịch ngoại tệ theo kỳ hạn không mấy hiệu quả, dẫn đến tình trạng mua USD bằng mọi giá khi thị trường biến động, làm cho cầu ngoại tệ có thời điểm tăng đột biến, tỉ giá VNĐ/USD thường xuyên leo lên mức trần.
Thế nhưng hiện nay, biên độ tỉ giá đã lên tới 3%, “chiếc áo” thị trường ngoại tệ trở nên rộng rãi, mức độ co giãn của tỉ giá cũng lớn hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp dự báo xu hướng thị trường để giao dịch USD theo kỳ hạn. Khi ấy, NH Nhà nước cũng nhìn thấy được cung cầu USD trong tương lai, từ đó có động thái bán ra hoặc mua vào USD nhằm cân đối cung cầu ngoại tệ, điều chỉnh tỉ giá theo tín hiệu thị trường.
Châu Thy
Bình luận (0)