xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tỉ giá vẫn "nóng"

THÁI PHƯƠNG

Dù Ngân hàng Nhà nước đã có động thái can thiệp để giảm sức ép tỉ giá qua kênh phát hành tín phiếu trong hơn 1 tháng qua, giá USD vẫn chưa "hạ nhiệt"

Ngày 27-10, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng (NH) Nhà nước niêm yết ở mức 24.107 đồng/USD, tăng 12 đồng/USD so với hôm trước. Tính chung từ đầu năm đến nay, tỉ giá trung tâm tăng khoảng 3,7%; giá USD ở các ngân hàng thương mại tăng mạnh khoảng 4,2% lên quanh mức 24.390 đồng/USD mua vào, 24.730 đồng/USD bán ra.

Áp lực đến từ đâu?

Sau hơn 1 tháng kể từ khi NH Nhà nước có động thái can thiệp vào thanh khoản của thị trường liên NH thông qua phát hành tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, lãi suất VNĐ trên thị trường này đã tăng khá mạnh và đang tiệm cận mức lãi suất huy động thị trường 1 (giữa NH thương mại với khách hàng). Lãi suất liên NH các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng đã tăng xấp xỉ 3%, giúp chênh lệch lãi suất tiền gửi VNĐ và USD thu hẹp đáng kể. Dù vậy, tỉ giá USD/VNĐ vẫn tăng mạnh.

Ông Trịnh Viết Hoàng Minh, Công ty Chứng khoán ACBS, nhận định áp lực tỉ giá đến từ 2 nguyên nhân chính là sự chênh lệch lãi suất USD và VNĐ từ tháng 5-2023 đến nay và chỉ số đồng USD trên thị trường quốc tế tăng. 

Các yếu tố gồm tín dụng tăng trưởng chậm, thanh khoản dồi dào, lãi suất liên NH duy trì mức thấp, chênh lệch lãi suất tiền gửi USD và VNĐ ở mức 3%-3,5% trong thời gian khá dài đã khiến NH có động lực giữ trạng thái mua ròng đối với USD, góp phần đẩy tỉ giá tăng.

"Chỉ số USD tăng giá mạnh - hiện ở mức 106,61 điểm - trong bối cảnh triển vọng kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục vững mạnh khi phần còn lại của thế giới đứng trước nguy cơ tăng trưởng chậm. Từ đó tạo ra làn sóng rút tiền ở khối tài sản tài chính rủi ro các thị trường mới nổi và cận biên, gia tăng tỉ trọng mua USD và tập trung vào các quỹ tiền gửi" - ông Minh phân tích.

Tỉ giá vẫn nóng - Ảnh 1.

Tỉ giá vẫn đang tăng nhưng sức ép lên tỉ giá sẽ hạ nhiệt trong giai đoạn cuối năm 2023 Ảnh: BÌNH AN

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô và chiến lược thị trường - Công ty Chứng khoán VNDIRECT, sau quyết định nâng trần nợ công, Chính phủ Mỹ đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu để bù đắp thâm hụt ngân sách, đẩy lợi suất trái phiếu Mỹ lên mức cao nhất từ đầu năm 2023. Diễn biến này khiến áp lực tỉ giá gia tăng. Ở trong nước, lạm phát có xu hướng tăng kể từ cuối quý III/2023, đồng USD cũng tăng giá so với hầu hết loại tiền tệ trong khu vực.

NHNN nhận định từ khoảng giữa tháng 6-2023 đến nay, tỉ giá chịu áp lực nhất định và có xu hướng tăng do giá USD trên thị trường quốc tế tăng trở lại và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao. Trong khi đó, lãi suất VNĐ giảm và ngày càng thấp so với lãi suất USD trên thị trường liên NH, gây áp lực lên tiền đồng.

Cung - cầu ngoại tệ ổn định

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định tỉ giá USD/VNĐ tăng chủ yếu do tác động từ các yếu tố quốc tế, trong khi cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn ổn định.

Trên thị trường quốc tế, sức ép tỉ giá có thể lắng dịu từ nay đến cuối năm trong bối cảnh FED được dự đoán không tăng lãi suất tại cuộc họp vào tháng 11-2023 và bắt đầu giảm lãi suất trong đầu năm 2024. 

Khi đó, đồng USD sẽ khó tăng giá tiếp. Ở trong nước, cung - cầu ngoại tệ vẫn ổn định nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào đến từ việc giải ngân vốn đầu tư nước ngoài, cán cân thương mại thặng dư, kiều hối và du lịch quốc tế phục hồi. Do đó, tỉ giá tăng nhưng trong tầm kiểm soát nên không gây lo lắng quá mức.

Riêng ở TP HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho hay đến cuối tháng 9-2023, lượng kiều hối chuyển về đạt 6,68 tỉ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt lượng kiều hối cả năm ngoái. 

"Lượng kiều hối chuyển về tăng trưởng tốt là một trong những nguồn cung ngoại tệ góp phần bảo đảm quan hệ cung - cầu ngoại tệ, hỗ trợ hiệu quả cho việc giảm áp lực tỉ giá" - ông Lệnh nhận xét.

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận nguồn cung ngoại tệ tăng thêm còn nhờ sự đóng góp của việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, VNĐ giảm giá vừa phải so với USD - khoảng 3% - cũng sẽ hỗ trợ hoạt động xuất khẩu và ít có khả năng kích thích dòng vốn đầu tư nước ngoài rút mạnh ra khỏi Việt Nam. 

Khó giảm thêm lãi suất điều hành?

Theo ông Đinh Quang Hinh, tỉ giá đi lên sẽ làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và hàng tiêu dùng nhập khẩu, từ đó gia tăng áp lực lên lạm phát trong nước. Khi áp lực từ tỉ giá càng lớn, càng ít dư địa cho NH Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành. Vì vậy, có khả năng NH Nhà nước tạm dừng hạ lãi suất điều hành ít nhất cho đến nửa đầu năm 2024 để cân bằng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng trong bối cảnh áp lực tỉ giá và lạm phát gia tăng.

Về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực cho rằng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ở thời điểm hiện tại đã giảm nhiều và phù hợp nên NH Nhà nước có thể không cần giảm thêm lãi suất điều hành.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo