Vi khuẩn Vibrio parahaematolycus được xem là một trong những nguyên nhân chính có liên quan đến hiện tượng bệnh dẫn đến tôm nuôi chết hàng loạt, gây thất thoát, thiệt hại cho nghề nuôi tôm. Trong những năm gần đây, đã có xu hướng nghiên cứu bổ sung các chất giàu polyphenol có nguồn gốc tự nhiên nhằm cải thiện tăng trưởng, sức khỏe và phòng chống bệnh cho vật nuôi, thủy sản.
Từ những nguyên nhân nói trên nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM do TS. Phan Thị Anh Đào đã nghiên cứu thành công chế phẩm polyphenol từ hạt bơ, thử nghiệm sử dụng chế phẩm này bổ sung vào thức ăn nuôi tôm thẻ chân trắng.
Tôm thu hoạch sau 60 ngày nuôi với chế phẩm polyphenol từ hạt bơ (Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp)
Kết quả thử nghiệm trên các mô hình nuôi tôm trong bể composit, bể kính đã cho thấy: tôm ăn thức ăn phối trộn chế phẩm polyphenol có tỷ lệ sống cao hơn 20% so với tôm đối chứng (sử dụng thức ăn thông thường) khi bị cảm nhiễm vi khuẩn Vibrio parahaematolycus.
Chế phẩm polyphenol từ hạt bơ của nhóm nghiên cứu TS. Anh Đào có những ưu điểm như tổng hàm lượng polyphenol cao (TPC >2.000 mgGAE/100 g DW) có hoạt tính sinh học như ức chế gốc tự do DPPH (IC50 <30 µg/mL), ức chế Vibrio parahaematolycus (MIC, <150 µg/mL), đạt chỉ tiêu kim loại nặng và vi sinh (QCVN 02-31-2:2019/BNNPTNT, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thức ăn thủy sản).
Sau 60 ngày nuôi thử nghiệm, tôm đạt trọng lượng từ 7,96 – 9,15 gam/con, tăng trọng từ 6,91 – 8,10 gam/con. Riêng về tỷ lệ sống, việc bổ sung 500 - 750 - 1.000 ppm polyphenol đã cho hiệu quả khá tốt (ở mức 76%), giúp tăng tỉ lệ sống từ 9 - 10% so với đối chứng và có hiệu quả tương đương với sản phẩm BM.
TS. Phan Thị Anh Đào cho biết hạt bơ chứa nguồn polyphenol cao với các nhóm hợp chất đa dạng, thể hiện nhiều hoạt tính sinh học có giá trị cao và có thể sử dụng như các phụ gia thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, hạt bơ trong nước là nguồn phụ phẩm chưa được tận dụng, và là "phiền toái" ở các nhà máy chế biến bơ đông lạnh, dầu bơ, mỹ phẩm.
Bình luận (0)