Điều này đã gây khá bất ngờ cho người nghe. Bởi từ 10 năm qua, cơ cấu kinh tế TP đã xác định thứ tự ưu tiên là dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp. Hay nói khác đi, thực trạng nền kinh tế TP đã tăng trưởng không theo mong muốn của TP.
Ưu tiên 1, nhưng không đầu tư
Ông Phan Tâm Tình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học quản lý (TQM), phân tích nền kinh tế giống như một dòng chảy, khơi chỗ nào thì dòng chảy sẽ tập trung về nơi đó. Đến nay, có thể nói, TP chưa có chủ trương nào đáng kể để khơi cho dòng chảy dịch vụ.
Từ nhiều năm qua, TP chỉ tập trung vào công nghiệp. Mặc dù đây là khu vực kinh tế được xếp sau dịch vụ. Hàng loạt chương trình hỗ trợ cho công nghiệp đã ra đời như: hiện đại hóa thiết bị với chi phí thấp, sản phẩm công nghiệp chủ lực, ưu đãi đầu tư... Sự tập trung này đã làm cho tỉ trọng của dịch vụ liên tục giảm trong thời gian qua. Vào năm 1995, dịch vụ chiếm 57,8% trong cơ cấu kinh tế TP thì đến 2004 tụt xuống còn 50,1%. Trong khi đó, trong cùng thời gian này, công nghiệp và xây dựng từ 38,9% đã vọt lên 48,5%. Trong sự sụt giảm của ngành dịch vụ, điều đáng quan tâm đó là sự sụt giảm đều dần, chứ không phải có lúc trồi, lúc sụt. Cụ thể, năm 1995, dịch vụ chiếm tỉ trọng là 57,8% thì các năm liền kề sau là 57%, 56,4%, 55,1%, 54,1%, 52,6%...
Tiến sĩ Võ Văn Huy, Đại học Bách khoa TPHCM, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu Các chính sách và giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội bộ các ngành công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn TPHCM, đã giải thích thực trạng này là do có vấn đề từ bên trong cấu trúc kinh tế TP. Nếu không có giải pháp mạnh từ bên trong cấu trúc thì xu hướng này sẽ còn tiếp tục.
Dịch vụ tài chính, ngân hàng nằm ngoài tầm kiểm soát
Một giám đốc công ty tư vấn đã thẳng thắn, chẳng những không hỗ trợ, các cơ quan quản lý ở TP còn có quan điểm lệch lạc về ngành dịch vụ, xem dịch vụ là “cò”, coi tư vấn là “tay không bắt giặc”. Trong khi trên thế giới xếp tư vấn vào lĩnh vực đầu tư rủi ro cao. Một - hai nhân viên quan trọng “ra đi” mang theo thông tin thì doanh nghiệp đó phá sản là chuyện khó tránh khỏi.
Tiến sĩ Võ Văn Huy khẳng định, có thể nói đến giờ TP vẫn chưa xác định được cụ thể dịch vụ là gì. Từ đó khó định ra được nơi cần tác động, mức độ tác động. Tất nhiên là cũng chưa có chính sách hỗ trợ đáng kể nào.
Ông Đinh Sơn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế TP, nhiều lần giải thích, hiện nay nhiều dịch vụ quan trọng như tài chính, ngân hàng... đang nằm ngoài thẩm quyền của TP. Vì vậy, TP muốn phát triển khu vực dịch vụ này là rất khó, phải trông chờ vào Trung ương.
Quản lý chồng chéo, hiệu quả kém
Tuy chưa có chính sách cụ thể về dịch vụ nhưng ở TP nhìn đâu cũng thấy dịch vụ, cũng thấy cơ quan quản lý dịch vụ. Hầu như tất cả các sở của TP đều có chức năng quản lý dịch vụ. Ngay cả nơi thuần túy nhất về sản xuất là Sở Công nghiệp cũng có bộ phận rất gần với dịch vụ là khoa học, công nghệ. Trong khi đó, Sở Thương mại là cơ quan khá thuần về dịch vụ thì lại quản lý một phần rất nhỏ của hoạt động dịch vụ. Chủ yếu là mua bán hàng hóa thông thường, chợ búa, giữ xe... Trong khi đó, khi Bộ Công nghiệp vào TP để làm quy hoạch cho ngành điện tử và công nghệ thông tin, các chuyên viên của bộ này phàn nàn, không thể tìm đâu ra số liệu chính thức về doanh thu phần mềm của TP. Bởi TP chưa có bộ phận chính thức làm việc này. Mọi số liệu về phần mềm ở TP đều do các tổ chức nghề nghiệp, những chuyên gia trong ngành ước tính. Dựa trên những số liệu khá mơ hồ như vậy thì việc quy hoạch cho ngành này quả là chuyện quá khó khăn. Trong khi đây là ngành mà TP kỳ vọng nhiều.
4 yếu tố ảnh hưởng đến chuyển dịch của dịch vụ 1. Dịch vụ vẫn chưa được xem là phương tiện nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Kinh tế dịch vụ vẫn còn mới ở VN và chưa được nhận thức đầy đủ từ các thành phần kinh tế, nhà hoạch định chính sách. 2. Chính sách công nghệ tập trung nhiều vào các ngành công nghiệp sản xuất, chế tạo và chưa quan tâm đến vấn đề sử dụng công nghệ trong khu vực dịch vụ. Trong khi kinh nghiệm của các nước cho thấy việc sử dụng công nghệ trong khu vực dịch vụ có vai trò tái cấu trúc nhiều ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ. 3. Chính sách cho khu vực dịch vụ còn ít và triển khai chậm nên chưa có kết quả đáng kể trong quá khứ. 4. Thiếu các công cụ, chỉ số để đánh giá mức độ quan trọng của các ngành kinh tế dịch vụ. (Trích: Đề tài nghiên cứu Các chính sách và giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội bộ các ngành công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn TPHCM do Đại học Bách khoa TPHCM thực hiện) |
Bình luận (0)