Gần đây, các chủ sàn Scoin, Onecoin, Bitcoin liên tục tung ra nhiều chiêu thức mời gọi người chơi.
Biến thể của Bitcoin
Ông Trung, chuyên đầu tư tài chính qua internet, cho biết Tập đoàn Coinspace vừa tạo lập sàn tiền ảo Scoin (phiên bản mới của Bitcoin - một loại tiền ảo giao dịch qua mạng) cách đây 6 tháng và có mặt tại Việt Nam từ tháng 9-2016. Tham gia sàn này, người chơi dùng VNĐ mua tiền ảo Scoin để trở thành thành viên của tập đoàn. Tập đoàn này sẽ khai thác, kinh doanh Scoin rồi chia lợi nhuận cho các thành viên, chi trả hoa hồng cho người giới thiệu thành viên mới.
Theo ông Trung, đây là một sân chơi mới mẻ và khá lớn, tính thanh khoản cao bởi mạng lưới Coinspace đã mở rộng đến 129 quốc gia. Mặt khác, Scoin có thể đổi sang Bitcoin, đồng thời rút được tiền ảo lẫn tiền thật tại hệ thống ATM ở một số quốc gia.
Khi chúng tôi đề nghị cung cấp một số thông tin về điều kiện nộp, rút tiền, chuyển đổi tiền ảo sang tiền thật; lợi ích của thành viên, tính bảo mật trong giao dịch…, ông Trung hẹn sẽ gửi tài liệu qua mạng internet hoặc trao đổi trực tiếp.
Một phiên bản khác là mô hình đầu tư tiền ảo Onecoin lại rộ lên gần đây. Vào giữa tháng 8-2016, tại TP Đà Nẵng, một buổi giới thiệu đầu tư tài chính tiền ảo Onecoin đã được tổ chức. Chị Vân Anh và nhiều người khác ở tỉnh Nghệ An tham gia sàn này cho hay họ bị hủy mã số giao dịch và mất hết tiền chỉ vì không bổ sung tiền vào tài khoản, không giới thiệu thêm thành viên mới.
Giới phân tích cho rằng rủi ro của mô hình đầu tư Onecoin là không được pháp luật bảo vệ. Ngoài ra, tính minh bạch của những thông tin liên quan đến mạng lưới điều hành Onecoin ở Việt nam và thế giới vẫn còn nhiều nghi vấn.
Mạng xã hội tài chính?
Theo một số người trong cuộc, do sàn tiền ảo Onecoin, Bitcoin liên tục bị sập nên một số chủ sàn phải “đẻ” ra phiên bản mới để tiếp tục thu hút người chơi.
Tiếp cận một nhóm người chơi tiền ảo, chúng tôi được ông Dũng (thành viên của nhóm này) giới thiệu sàn cho - nhận Bitkingdom (mmobitcoinvn.blogspot.com). Theo ông Dũng, sàn này không giữ tiền của nhà đầu tư, không kinh doanh đa cấp hay đầu tư tài chính mà hoạt động theo phương thức kết nối cộng đồng, một mạng xã hội tài chính để mọi người giúp đỡ lẫn nhau.
Theo đó, mức lợi nhuận mà Bitkingdom áp dụng cho các thành viên là 1%/ngày. Với mức giá khoảng 430 USD/Bitcoin (tương đương 11 triệu đồng), mỗi thành viên Bitkingdom sau khi chuyển số tiền này đến người khác sẽ thu lãi khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Nếu thành viên đó để lãi chồng lãi thì sau 12 tháng sẽ có được 24 Bitcoin, tương đương 230 triệu đồng.
“Đến nay, tôi đã nhận gốc và lãi được 2 chu kỳ, chuẩn bị sang chu kỳ thứ 3 là hoàn gốc. Bắt đầu với 11 triệu đồng và quan trọng nhất là sau 4 tháng sẽ thu hồi được vốn. Còn nếu tính sau 1 năm thì lãi được 230 triệu đồng và sau 3 năm sẽ lãi 1,6 tỉ đồng. Quyết định tham gia hay không là do bạn” - ông Dũng thuyết phục.
Thấy chúng tôi băn khoăn, ông Dũng so sánh Bitkingdom như trung tâm mua bán. Nhà đầu tư muốn vào trung tâm này để mua bán, trao đổi thì phải có tiền và Bitcoin là tiền. Khi đã vào trung tâm, người chơi quyết định đầu tư, tức là dùng tiền của mình giúp đỡ (nôm na là cho) những người vào trước. Sau khoảng 15 ngày, người chơi bắt đầu nhận lại sự trợ giúp của những người khác, cụ thể là người vào sau. Kết thúc chu kỳ 30 ngày (tính từ khi bắt đầu chơi), người chơi được quyền rút toàn bộ vốn và lãi.
“Nếu muốn tiếp tục đầu tư thì bạn lại lặp lại mô hình trên và bạn lại trở thành người vào sau. Điều này đồng nghĩa toàn bộ thành viên tham gia đều công bằng” - ông Dũng giải thích.
Về nguồn thu của Bitkingdom, một người đi cùng ông Dũng cho biết: “Bitkingdom không lấy tiền của người này để cho người khác và người khác phải giúp đỡ lại mình. Lợi nhuận Bitkingdom có được từ việc nhà đầu tư phải mua 1 token với giá 10 USD/lần giao dịch. Khi đó, nhà đầu tư mới nhận được sự trợ giúp của người khác”.
Đối mặt rủi ro
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, điểm khác biệt của các sàn giao dịch tiền ảo xuất hiện trong thời gian gần đây là luôn có doanh nghiệp cam kết trả vốn và lãi nhằm tạo sự an tâm cho người chơi. Người chơi dùng tiền thật mua tiền ảo và chỉ được ghi nhận tiền ảo vào hệ thống của doanh nghiệp. Mọi giao dịch đều thực hiện qua mạng và đến một lúc nào đó, toàn dữ liệu trong hệ thống biến mất, đồng nghĩa nhà đầu tư mất tiền.
Ông Hiếu đánh giá do Ngân hàng Nhà nước không thừa nhận tiền ảo nên người chơi loại tiền này luôn đối mặt rủi ro về pháp lý. Đặc biệt, khi mất tiền, người chơi không có cơ sở khởi kiện chủ sàn. Mặt khác, loại hình đầu tư tiền ảo ẩn chứa nhiều yếu tố lừa đảo thông qua nhiều cách thức chiêu dụ người chơi bằng lợi nhuận không tưởng.
Bình luận (0)