Ngày 25-7, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017.
Phê bình 13 bộ, ngành, địa phương
Theo báo cáo, tính đến ngày 15-6, tổng số vốn thanh toán của các bộ, cơ quan, địa phương là 85.000 tỉ đồng, đạt 23,9% tổng kế hoạch năm 2017 và 27,6% kế hoạch vốn đầu tư công được Quốc hội phân bổ và Thủ tướng Chính phủ giao.
Đại diện Bộ Ngoại giao giải trình về lý do chậm giải ngân vốn đầu tư công
Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết một trong những điểm nghẽn của nền kinh tế là giải ngân vốn chậm mà vẫn phải trả lãi vốn vay. Lúc nào kho bạc cũng có 120.000 tỉ đồng và vốn ngân sách nhà nước được bố trí sớm (còn 4.000 tỉ đồng) mà không tiêu được. "Có tiền, có vốn mà không tiêu được là do thủ tục và chỉ đạo thiếu quyết liệt của người đứng đầu. Đặc biệt, cần xem lại năng lực của đơn vị thi công. Tiền không tiêu được cũng là lãng phí. Lãng phí nguồn lực trong khi đất nước còn khó khăn, nhất là vẫn phải trả lãi vay" - ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm vấn đề này và chuyển lời phê bình đến 13 bộ, ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Ngoại giao, Y tế, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Dân tộc, TTXVN, Hội Cựu chiến binh, TP Hà Nội, TP HCM, TP Đà Nẵng, tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh (tỉ lệ giải ngân chỉ từ 4% đến xấp xỉ 20%).
"Thủ tướng còn nghe có hiện tượng tăng tỉ lệ giải ngân nhưng tiền không vào công trình mà lấy tiền về gửi ngân hàng. Nếu có trường hợp này thì không thể chấp nhận vì đây là tiền phục vụ đầu tư. Có đơn vị có khối lượng xây dựng thật nhưng khắt khe trong ứng vốn cũng gây chậm trễ" - ông Dũng nhấn mạnh.
Thủ tục, quy trình làm tắc vốn?
Đại diện TP HCM góp ý về các thủ tục quyết toán quá phức tạp, để hoàn tất phải mất tối thiểu 2 tháng nên dẫn đến giải ngân chậm. Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của các địa phương và bộ, ngành. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho hay bộ được giao vốn 5.100 tỉ đồng xây dựng bệnh viện nhưng do vướng thủ tục từ xây dựng đến mua sắm thiết bị nên tỉ lệ giải ngân thấp. Thực tế, tiền tạm ứng cho nhà đầu tư là 2.000 tỉ đồng/3.200 tỉ đồng, chỉ khâu thủ tục là chưa xong. "Bộ giữ nhiều tiền trong người cũng lo lắm" - ông Tuấn bộc bạch.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết dự án xây dựng Nhà máy in tiền quốc gia mới (Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội) vẫn vướng giải phóng mặt bằng. Quyết định phê duyệt đầu tư từ năm 2009 nhưng đến 2017 vẫn chưa biết cân đối vốn như thế nào với số tiền 5.700 tỉ đồng. Nhà nước nói cấp một nửa còn lại là vốn ODA nhưng thực tế chỉ thu xếp được 2.000 tỉ đồng và đến nay cũng chỉ thu xếp 610 tỉ đồng. Còn vốn ODA cũng chưa biết có vay được không hay vay theo kiểu gì.
Giống như nhiều nơi khác, đại diện TP Đà Nẵng tố khổ việc giải ngân chậm chủ yếu là tắc giải phóng mặt bằng. Mặt khác, Đà Nẵng có nhiều dự án ODA trước đây được giải ngân theo tiến độ chứ không phải theo năm nên hiện nay bị chậm. Vì vậy, đề nghị được giải ngân theo tiến độ dự án.
Về đề xuất này, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu giải thích do quy định của Luật Ngân sách nhà nước, hằng năm đều phải giao vốn để kiểm soát bội chi, lãi vay vốn nước ngoài. "Tuy nhiên, tới đây cũng phải sửa quy định giao vốn theo năm nhưng cũng chặt chẽ là không quá 5 năm như cấp vốn trung hạn" - ông Thu nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đã báo cáo Thủ tướng việc Đà Nẵng giải ngân chậm trong khi là nơi tổ chức APEC vào cuối năm 2017. "Thủ tướng còn phải ngạc nhiên đặt câu hỏi sao Đà Nẵng giải ngân chậm thế?" - Bộ trưởng nói.
"Sáng tác" thêm thủ tục làm khó nhau
Một vấn đề khác, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, thủ tục rất phức tạp như thẩm định xây dựng tập trung về một đầu mối Bộ Xây dựng mà bộ quá nhiều việc nên mất rất nhiều thời gian.
Đại diện Bộ KĐ-ĐT cho biết bộ có 7/11 dự án chậm tiến độ. Trong đó có dự án xây dựng trụ sở Học viện Chính sách Phát triển giải ngân chưa được 20%, trong khi chiếm 50% số vốn cấp cho bộ. Lý do chậm do thay đổi quy định thẩm định giữa Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng Hà Nội "đùn đẩy" nhau mất 9 tháng (tháng 10-2016 đến 7-2017).
Thể hiện sự bất bình, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: "Chỉ thủ tục giữa bộ với bộ mà còn mất 9 tháng thế này thì địa phương với bộ còn mất bao lâu? Cần công khai việc này trên báo chí để thấy trách nhiệm của bộ đến đâu".
Đại diện Bộ Ngoại giao nhận phê bình của Thủ tướng Chính phủ song cũng nêu lý do chậm trễ trong việc xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao là vốn Bộ KH-ĐT đến ngày 25-6 mới cấp (chậm 6 tháng).
Trước việc này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng Bộ KH-ĐT "vẽ", sáng tác thêm thủ tục chứ chẳng có ai chỉ đạo, quy định để trói buộc, làm khó nhau như thế. Tiền giao cho chủ đầu tư từ năm ngoái chứ có phải cấp mới đâu. "Với những cán bộ gây vướng mắc, cứ đưa xuống địa phương làm mới hiểu thế nào là khổ chứ cứ ngồi trong phòng lạnh sao hiểu hết được thực tế đời sống như thế nào" - người đứng đầu Văn phòng Chính phủ bức xúc.
Ông Mai Tiến Dũng còn cho biết Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương góp ý điều chỉnh Luật Đầu tư công để thúc đẩy đầu tư và luật đi vào cuộc sống.
Cảnh báo chạm trần nợ công
Tại cuộc họp, đại diện tổ công tác đưa ra cảnh báo hết năm 2017, nợ công sẽ tăng lên mức 65% - chạm trần nợ Quốc hội đề ra. Khi đó, Chính phủ sẽ phải tính đến vay nợ trong nước. Để vay nợ, bù đắp bội chi, các công cụ điều hành vĩ mô như công cụ lãi suất, tỉ giá… sẽ được sử dụng. Điều này sẽ gây áp lực lên lạm phát và toàn bộ nền kinh tế, việc huy động phát hành trái phiếu Chính phủ xong rồi không tiêu được, chậm tiêu lại quay về nằm ở ngân hàng.
Bình luận (0)