Thị trường chứng khoán đang ghi nhận nhiều phiên tăng điểm mạnh với khối lượng giao dịch ở mức kỷ lục sau nhiều năm thành lập. Chứng khoán trở thành kênh sinh lời cao, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong bối cảnh lãi suất ngân hàng (NH) giảm còn các kênh khác chưa hấp dẫn.
Nhiều tin tốt cho chứng khoán
Ngày 24-3, kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index tiếp tục đà tăng mạnh khi vươn lên 607,55 điểm, tăng 5,8 điểm và HN-Index cũng tăng 2,62 điểm lên mức 92,99 điểm. Khối lượng và giá trị giao dịch tuy không bằng phiên cuối tuần nhưng vẫn ở mức cao, giá trị giao dịch trên cả 2 sàn đạt hơn 4.700 tỉ đồng.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, thị trường chứng khoán đang đón nhận rất nhiều thông tin tích cực như quyết định hạ lãi suất, Thông tư 09 cho phép các NH thương mại có thêm thời gian cơ cấu lại các khoản nợ và lùi thời hạn xếp loại nợ đến cuối năm. Bộ Xây dựng đề nghị mở rộng đối tượng cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỉ đồng nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân…
Tại chi nhánh một NH thương mại trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP HCM), anh Nguyễn Văn Nam (ngụ quận Phú Nhuận) cho biết đến NH rút tiền để đầu tư vào chứng khoán khi thị trường này đang có “sóng”. Theo ông Phan Dũng Khánh, Trưởng Phòng Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, chứng khoán hiện là kênh đầu tư sinh lợi hấp dẫn. Tuần qua, việc các quỹ đầu tư ETF cơ cấu lại danh mục giúp 2 sàn có những phiên tăng điểm khá mạnh. Hạ lãi suất huy động làm lãi suất cho vay giảm, tác động gián tiếp đến chứng khoán, các nhà đầu tư có thể vay tiền NH với lãi suất thấp hơn để đầu tư cổ phiếu.
Trong khi đó, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán SJC, cho rằng quy mô dòng tiền trên thị trường chứng khoán hiện nay không thể là dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân. Chẳng hạn, phiên cuối tuần hôm 21-3, giá trị giao dịch trên cả 2 sàn lên hơn 6.800 tỉ đồng (mức giao dịch kỷ lục từ trước đến nay). Chỉ những DN có lượng tiền mặt lớn trước đây gửi NH, nay lãi suất giảm liền chuyển tiền qua kênh chứng khoán mới tạo nên dòng tiền giao dịch quy mô lớn. “DN kinh doanh cả năm lợi nhuận chỉ khoảng 10% nhưng mua cổ phiếu trong 2-3 phiên có thể đạt lợi nhuận đến 100%. Dòng tiền trên thị trường chứng khoán những ngày qua là dòng tiền lớn của tổ chức, những DN có lượng tiền mặt lớn” - ông Tuấn nhận định.
Tăng nóng, nhiều rủi ro
Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển nhận định việc dịch chuyển dòng tiền, gửi tiền NH không phải kênh đầu tư sinh lời mà chỉ là kênh bảo toàn vốn cho người dân. Không nên suy nghĩ gửi NH vẫn sống khỏe. Khi lãi suất hạ, dòng tiền nhàn rỗi của người dân có thể chảy vào vàng, bất động sản có tính chất an toàn nhưng kênh này hiện chưa hấp dẫn. “Với chứng khoán, chỉ một số người tạm gửi tiền NH chờ cơ hội nay chuyển sang chứng khoán khi thị trường sôi động nhưng không nhiều” - TS Hiển nói.
Thị trường chứng khoán đang tăng nóng nhưng có thể đảo chiều bất cứ lúc nào nên khá nhiều rủi ro. Bởi theo ông Huỳnh Anh Tuấn, thị trường chứng khoán đã phát triển trong thời gian dài, mặt bằng giá cổ phiếu hiện không hề rẻ và không có DN nào chạy theo kịp với tốc độ phát triển giá của cổ phiếu. “Có những cổ phiếu tăng nóng đến 200%-500%, hàng loạt cổ phiếu của DN làm ăn thua lỗ cũng tăng trần chóng mặt. Không thể có một DN đang bệnh nặng bỗng uống thuốc xong khỏe liền nên dòng tiền này phần lớn là đầu cơ và rất rủi ro, nhất là đối với nhà đầu tư đầu cơ nhỏ lẻ” - ông Tuấn khuyến cáo.
Thận trọng hơn
Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB) Trương Đình Long cho rằng dù trần lãi suất giảm nhưng chỉ đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng, còn kỳ hạn trên 6 tháng mức lãi suất vẫn khá cao. Khách hàng sẽ dịch chuyển dòng tiền của mình ra hệ thống NH khi họ thấy các kênh khác có mức sinh lời cao hơn. Tuy nhiên, người dân đã tỉnh táo và thận trọng hơn khi chuyển tiền vào chứng khoán, bất động sản bởi nhiều bài học thấm thía được nhà đầu tư rút ra trong mấy năm qua từ các thị trường này.
Bình luận (0)