Theo Navigos Group, mức lương bình quân của các DN nước ngoài cao hơn 14% so với các DN tư nhân trong nước trong khi theo đánh giá thực tế (chưa có con số so sánh), mức lương của các DN tư nhân hiện nay cao hơn của DN nhà nước. Riêng thu nhập của các vị trí cao cấp - theo khảo sát của phóng viên Thanh Niên - thì khoảng cách đó rất xa. Giám đốc kinh doanh của một công ty 100% vốn nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực thiết bị số cho biết lương ròng của anh là 25.000 USD/năm, nhận làm 2 đợt chứ không nhận theo tháng, thuế thu nhập công ty đóng.
Tương tự, mức lương của một quản lý dự án (Project Manager) ở một công ty phần mềm có vốn đầu tư nước ngoài lên đến hơn 1.000 USD/tháng. Cùng vị trí đó nhưng ở một công ty tin học thuộc dạng hàng đầu Việt Nam thì lại chưa tới 500 USD/tháng. Thấp hơn nữa, phó giám đốc một DN nhà nước cho biết lương của ông chưa đến 3 triệu đồng/tháng cộng với phụ cấp hơn 200.000 đồng tiền cơm trưa mỗi tháng. Vì vậy ông thừa nhận nhiều cán bộ phải tự kiếm việc làm thêm bên ngoài để tăng thu nhập. "Mức lương của giám đốc chỉ được nhiều hơn tối đa 10 lần lương của một người thấp nhất trong DN. Tổng quỹ lương bị hạn chế, hệ số lương hằng năm cũng phải chờ được phê duyệt... tình trạng chung của các DN nhà nước là vậy nên chúng tôi rất khó khăn trong việc tuyển dụng người mới", vị phó giám đốc này nói.
Từ nay đến năm 2010, SaigonCo.op cần khoảng 1.500 lao động/năm, trong đó từ 5-7% là nhân sự quản lý - ảnh: D.Đ.M |
Theo ông, lương của người làm việc trong DN nhà nước theo kiểu dàn hàng ngang, tăng theo tuần tự thời gian. Một kỹ sư mới tốt nghiệp ra trường chỉ được trả 1,5 triệu đồng/tháng nên kỹ sư đó suốt ngày tìm kiếm cơ hội khác ra đi. Trong khi ở các DN nước ngoài, một nhân viên mới có thể nhận được từ 200 - 250 USD/tháng nên họ làm việc hiệu quả ngay từ đầu. Riêng có một số DN nhà nước hoạt động hiệu quả cao áp dụng hệ số lương xây dựng theo công việc nhưng số đó không nhiều.
Đồng suy nghĩ trên, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã TP.HCM (SaigonCo.op) - cho rằng các DN trong nước (kể cả DN nhà nước và tư nhân) đều có chung một đặc điểm trong chính sách tiền lương là khoảng cách lương giữa cán bộ quản lý và nhân viên bình thường không xa.
Trong khi đó, khoảng cách này tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài rất lớn. "Đây chính là lợi thế của DN nước ngoài trong việc thu hút được nguồn nhân sự cấp cao dù xét về chế độ lương bổng của các nhân viên bình thường thì DN VN lại tốt hơn. Để giữ chân được lao động chất lượng cao, mỗi DN trong nước phải có các chính sách phù hợp", ông Nguyễn Ngọc Hòa nói.
Hiện nhu cầu về nhân sự của các DN rất lớn. Để hạn chế sự thua thiệt về mức lương so với các DN nước ngoài, nhiều DN trong nước nhất là các DN tư nhân cố gắng tạo ra những lợi ích khác bên cạnh tiền lương cho người lao động. Ví dụ SaigonCo.op đang tạo ra một môi trường làm việc bình đẳng mà ở đó nhân viên cảm nhận được sự gắn bó, tình cảm. “Tuy nhiên DN cũng phải biết kết hợp cả hai mặt tinh thần và vật chất. SaigonCo.op còn có chính sách khác như trả toàn bộ kinh phí đào tạo cho cán bộ làm việc từ 5 năm trở lên... Việc đào tạo nhân sự quản lý trong ngành phân phối hiện đại trong nước không thể đáp ứng được nên việc đó phải được thực hiện ở nước ngoài nên kinh phí này cũng khá cao", ông Nguyễn Ngọc Hòa nói.
Ông Lê Chiến Thắng - Trưởng phòng Tư vấn nhân sự Navigos Group - đánh giá nhiều DN trong nước đang rất quan tâm đến chính sách tiền lương để thu hút và giữ nhân tài. Đó là những cách như tăng lương đều đặn hằng năm; thưởng theo năng suất lao động, trả công ngoài giờ thỏa đáng... Cuộc cạnh tranh gay gắt trên thị trường lao động sẽ diễn ra liên tục trong 3-5 năm nữa và có kéo dài lâu hơn do Việt Nam gia nhập WTO nên nhu cầu lao động cả cao cấp lẫn trung cấp tăng đột biến. Nhiều công ty Việt Nam đang cải tiến mô hình quản lý hiện đại theo kiểu phương Tây. Các DN này có nhiều cơ hội thành công trong trong việc cạnh tranh trên thị trường nhân lực", ông Thắng nói.
Bình luận (0)